Cảnh giác với thủ đoạn làm giả sổ đỏ để thế chấp vay tiền rồi chiếm đoạt

Thứ ba, 02/07/2019 12:21

Sáng 1-7, Cơ quan CSĐT CATP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đang tiếp tục tiến hành điều tra một vụ làm giả con dấu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đi vay rồi chiếm đoạt 750 triệu đồng của người dân.

Hạnh và Tấn tại cơ quan Công an. 

Trước đó, vào ngày 3-6, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Tống Thị Hồng Hạnh (1996), trú P. Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột chuyển nhượng đất cho bà Khoa Thị Thanh Xuân (1979, tạm trú TP Buôn Ma Thuột) đối với thửa đất số 352, tờ bản đồ số 12, địa chỉ ở P. Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột theo giấy chứng nhận số CN293786 do sở TN- MT tỉnh Đắk Lắk cấp. Tuy nhiên, qua  rà soát thì không có dữ liệu về sổ đỏ và hồ sơ về miếng đất trên nên đã chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan CATP Buôn Ma Thuột.

Quá trình điều tra, xác định về sổ đỏ trên được bà Hạnh làm giả nên đã triệu tập để làm rõ. Bước đầu Hạnh khai nhận do cần tiền tiêu xài cá nhân nên Hạnh đã cùng với Trương Công Tấn (1993, trú xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột)  bàn với nhau làm giả sổ đỏ để thế chấp đi vay tiền. Tấn đã lên mạng Internet tìm kiếm nơi làm giả giấy tờ và đặt làm giả 3 sổ đỏ với giá mỗi giấy là 15 triệu đồng và một bộ dấu giả giá 2,5 triệu đồng.

Do Hạnh có quen biết với bà Xuân, nên để tạo lòng tin với bà Xuân thì các giấy tờ đều đứng tên Hạnh. Với những sổ đỏ giả, trong thời gian từ giữa năm 2018 đến cuối tháng 5-2019 Hạnh đã vay được của bà Xuân số tiền 750 triệu đồng. Để cho bà Xuân tin tưởng cứ mỗi lần Hạnh đến nơi ở của bà Xuân để mượn tiền thì Tấn sẽ giả là nhân viên công chứng của Văn phòng công chứng Tây Nguyên đến làm công chứng giả cho các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Đại úy Văn Thiện Nguyên- cán bộ Đội Cảnh sát Kinh tế CATP Buôn Ma Thuột khuyến cáo: Để hạn chế rủi ro, trước khi thực hiện các giao dịch liên quan đến sổ đỏ, người dân cần thận trọng tìm hiểu thông tin về người bán, người chuyển nhượng, người ủy quyền, đề phòng đó là chữ ký giả. Đồng thời cần được thẩm định kỹ càng các loại giấy tờ, nguồn gốc đất, nhà ở xem có hợp pháp không; trong quá trình giao dịch, mua bán đất đai thì bên mua cũng như bên bán nên trực tiếp đi kiểm tra nguồn gốc các loại giấy tờ liên quan, không thực hiện việc công chứng tại nhà. Đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng làm giả các hợp đồng công chứng, làm cho người dân tin tưởng và mắc bẫy bị chúng lừa chiếm đoạt tiền.

TƯỜNG VÂN