“Cánh tay nối dài" của lực lượng Công an trong bảo đảm ANTT ở cơ sở
Trưởng ban Bảo vệ dân phố tận tụy với công việc
Ông Vũ Quốc Ấn (54 tuổi), Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tham gia làm công tác bảo vệ dân phố từ những ngày đầu thành lập thị xã Gia Nghĩa (Nay là thành phố Gia Nghĩa) vào năm 2005. Hàng ngày, bằng tinh thần và trách nhiệm, sự tận tâm trong công việc, ông Ấn cùng các thành viên trong Ban Bảo vệ dân phố vẫn miệt mài với công việc mà người đời hay gọi là vác tù và hàng tổng, bất kể nắng hay mưa, đêm hôm vất vả luôn có mặt kịp thời hỗ trợ tích cực cho Công an phường Nghĩa Tân trong các mặt công tác.
Từ tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, nhắc nhở các trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phát hiện và giải tán các nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng đến công tác bảo vệ hiện trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với các tầng lớp Nhân dân, tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, tham gia truy quét tội phạm..., góp phần mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân, được Bộ Công an tặng kỷ niệm chương, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa tặng nhiều giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở và được Nhân dân tin tưởng, yêu mến.
“Trong suốt gần 20 năm làm Phó ban rồi Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Nghĩa Trung, cùng với việc làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, bản thân tôi cùng với lực lượng bảo vệ dân phố thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra 24/24h, bất kể đêm khuya, mưa gió, rét, cứ nhận được thông tin anh và các thành viên đều nhanh chóng có mặt, phối hợp với lực lượng Công an giải quyết kịp thời các sự việc xảy ra. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin có giá trị và trực tiếp tham gia bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm pháp luật. Trong đó phải kể đến việc phát hiện bắt giữ các đối tượng ma túy, trộm cắp tài sản. Mặc dù công việc khá vất vả, phụ cấp không nhiều nhưng tôi và lực lượng bảo vệ dân phố vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến sau khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức có hiệu lực”. Ông Vũ Quốc Ấn, Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Nghĩa Tân chia sẻ.
Ở tuổi 60, ông Phạm Ngọc Liên, Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vẫn âm thầm đóng góp nhiều thành tích khi tham gia công tác bảo vệ bình yên tại địa bàn dân cư nơi mình sinh sống. Bên cạnh sự tín nhiệm, tin yêu của người dân thì ông luôn quan niệm “còn sức khỏe, còn trí tuệ... thì phải tiếp tục cống hiến”.
Trong suốt hơn 23 năm là làm phó Công an xã rồi Trưởng ban Bảo vệ dân phố, không chỉ làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, ông Phạm Ngọc Liên còn trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp về an ninh trật tự, được người dân địa phương hết sức tin tưởng. Trong số các vụ việc có những vụ vẫn còn đọng nguyên trong tâm trí ông, trong đó phải kể là công tác hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19, tham gia tuần tra, kiểm soát giữ gìn ANTT và thực hiện cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử...
Để các thành viên trong ban bảo vệ dân phố hoạt động hiệu quả, ông Phạm Ngọc Liên đã xây dựng nhiều kế hoạch công tác, tổ chức sinh hoạt định kỳ, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất giữa các thành viên để có sự phân công phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân. Ông nắm tình hình công tác, kết quả công việc của từng người để tham mưu Công an phường kịp thời động viên, thăm hỏi, bố trí công việc một cách hợp lý để tạo điều kiện cho anh em vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa có thời gian trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, các thành viên Ban bảo vệ dân phố đều yên tâm công tác, ra sức khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với ông Phạm Ngọc Liên, tham gia vào ban bảo vệ dân phố là muốn cho bà con trong phường có cuộc sống bình yên. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình giúp được ai điều gì thì giúp, điều gì tốt cho xã hội thì mình làm thôi. Chỉ mong sao mỗi người dân đều có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, để xây dựng khu phố lành mạnh, an ninh trật tự. Thành tích của cá nhân tôi cũng là công sức của cả tập thể góp phần. Người dân trong phường có cuộc sống bình an chính là động lực, là niềm vui giúp tôi gắn bó lâu dài với công việc mà ông bà ta vẫn gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này. Mình còn khỏe thì sẽ còn tham gia cống hiến, tất cả vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.”. Ông Phạm Ngọc Liên chia sẻ.
Công an viên 19 năm hết lòng vì người dân
Với lòng yêu ngành, mến nghề cùng tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc, suốt gần 19 năm qua, được sự động viên, ủng hộ của gia đình, đồng đội và nhất là sự tin yêu, quý mến của Nhân dân đã giúp ông Phùng Văn Thảo, Công an viên thôn 3, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông từng bước vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn ANTT tại địa phương.
Năm 1997 ông Phùng Văn Thảo, từ quê hương huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Năm 2005, ông được Nhân dân và Ban Tự quản thôn 3, xã Đắk Sin tín nhiệm bầu giữ chức danh Công an viên của thôn. Đến năm 2010, ông được cấp trên tín nhiệm, bổ nhiệm chức danh Công an viên thường trực xã Đắk Sin; từ năm 2020 khi có Đề án đưa Công an chính quy về xã đảm nhiệm công tác, ông Thảo tiếp tục làm nhiệm vụ Công an viên thôn 3 và tiếp tục cống hiến cho đến nay. Từ đầu năm 2020, ông được UBND xã Đắk Sin bổ nhiệm giữ chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã, kiêm nhiệm Công an viên thôn.
Bản thân ông Phùng Văn Thảo là người nhanh nhẹn, nhạy bén, gần dân, sát dân, tận tụy trong công việc; xuất phát từ lòng đam mê với nghề, thể hiện rõ tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, ông đã chủ động nắm bắt tình hình cơ sở, tích cực tham mưu cho Trưởng Công an xã các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã. Qua đó, kịp thời nắm bắt, tham mưu cho Ban chỉ huy Công an xã tổ chức bắt thành công nhiều đối tượng phạm pháp hình sự, trong đó có các đối tượng trộm cắp, đối tượng tệ nạn về ma túy, cờ bạc… góp phần giữ vững bình yên và ổn định về trật tự ở địa phương.
Mặc dù phải kiêm nhiệm hai lĩnh vực công tác, mức phụ cấp thì ít ỏi, nhưng ông Thảo vẫn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đối với công tác của Hội chữ thập đỏ, từ khi nhận công tác ông Thảo đã đứng ra kêu gọi, huy động được rất nhiều nguồn kinh phí tài trợ từ các đơn vị doanh nghiệp, “mạnh thường quân” trong và ngoài địa bàn xã để hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người neo đơn, khuyết tật vv…
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Mã Đình Ngôn, Trưởng Công an xã Đắk Sin cho biết, ông Thảo là một Công an viên năng nổ, nhiệt tình, có nhiều đống góp cho công tác bảo vệ ANTT và hoạt đông an sinh xã hội ở địa phương được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương, khen thưởng và Nhân dân tin yêu, quý mến. Trong đó, liên tục từ năm 2020 đến nay, ông Thảo đã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc; Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông tặng 3 Giấy khen thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”...
Lực lượng xung kích trong giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở
Từ ngày 01/7/2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệANTT ở cơ sở chính thức có hiệu lực, trong đó quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, chế độ cho lực lượng này để các đồng chí có điều kiện tốt nhất phát huy vai trò, kinh nghiệm và gắn bó lâu dài hơn với công tác giữ gìn ANTT.
Hiện nay, những người thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, gồm: lực lượng Công an xã bán chuyên trách; bảo vệ Dân phố, Đội trưởng và phó đội trưởng Dân phòng. Đây là lực lượng gần với dân, thông thạo địa bàn, hiểu rõ về phong tục, tập quán của địa phương - được xem là cánh tay nối dài của lực lượng công an ở cơ sở.
Trong nhiều năm qua, các lực lượng này đã có nhiều đóng góp quan trọng, hỗ trợ tích cực cho các cấp chính quyền và lực lượng Công an địa phương trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng toàn dân bảo vệ ANTQ cũng như các phong trào thi đua yêu nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn về chế độ, chính sách, song các thành viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để cống hiến cho nhiệm vụ chung, tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Theo dự kiến toàn tỉnh Đắk Nông sẽ thành lập 713 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với 2.481 thành viên.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có 6 Tổ bảo vệ dân phố với 33 thành viên. Mặc dù còn nhiều khó khăn về chế độ, chính sách, song lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả vai trò trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trở thành “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân. Phường Nghĩa Tân đã chủ động rà soát, chuẩn bị điều kiện tốt nhất về con người, hạ tầng, các điều kiện hoạt động của lực lượng này nhằm bảo đảm Luật được triển khai sâu rộng, thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hơn nữa hiệu quả của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần đảm bảo ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
“Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và Dân phòng, đây là những lực lượng chủ yếu ở thôn, buôn, tổ dân phố với chức năng nhiệm vụ chính của lực lượng này là bảo vệ ANTT, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy và bên cạnh đó là tuyên truyền, vận động, giáo dục những người vi phạm pháp luật… Chính vì vậy, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây là cơ sở quan trọng để kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác; tạo hành lang pháp lý hoạt động và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT ở địa bàn cơ sở”. Đồng chí Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút chia sẻ.
Để việc tổ chức triển khai Luật cũng như Lễ ra mắt đạt hiệu quả thiết thực, thời gian vừa qua, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Công an tỉnh Đắk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp thực hiện quyết liệt như tham mưu sớm ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT, tiêu chí về số lượng thành viên mỗi tổ; quy định mức hỗ trợ, bồi dưỡng và các điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng này.
Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch và các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo bộ về việc triển khai thi hành Luật, trong đó tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở khi ra mắt được trang bị đầy đủ trang phục, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, công cụ hỗ trợ, phương tiện thiết bị cần thiết theo đúng quy định.
Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và huấn luyện diễn tập 1 số tình huống để trình diễn tại Lễ ra mắt. Công an tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, thành phố Gia Nghĩa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức Lễ ra mắt và đưa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong toàn tỉnh đi vào hoạt động hiệu lực hiệu quả từ 01/7/2024.
Hồng Long