Cáo buộc đảo chính nhấn chìm Brazil

Thứ năm, 14/04/2016 09:17

(Cadn.com.vn) - Cáo buộc đảo chính nhằm vào Phó Tổng thống Michel Temer càng đẩy chính trường Brazil vào vũng lầy không lối thoát.

Trong bối cảnh đang phải đối mặt với việc bị Quốc hội luận tội, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 13-4 bất ngờ lên tiếng cáo buộc Phó Tổng thống Michel Temer lên kế hoạch âm mưu lật đổ chính quyền.

“Âm mưu đã bị vạch trần”, bà Rousseff cho biết trong bài phát biểu gây chú ý. Nhà lãnh đạo này không đề cập thẳng đến tên ông Temer nhưng trích dẫn thông điệp của vị phó tổng thống như là bằng chứng của những gì bà gọi là “âm mưu đảo chính”. Theo nhà lãnh đạo này, ông Temer đứng đầu nhóm âm mưu lật đổ bà bằng cách thúc đẩy việc đưa bà ra xét xử tại một tòa án chính trị ở Quốc hội nhằm bãi nhiệm tổng thống. “Họ đang công khai âm mưu lật đổ một tổng thống được bầu hợp pháp”, bà Rousseff nhấn mạnh đề cập đến đoạn băng ghi âm do ông Temer tiết lộ ngày 11-4.

Các nghị sĩ Quốc hội Brazil có xu hướng ủng hộ việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff.
Ảnh: Reuters

Theo New York Times, Phó Tổng thống Temer trước đó được cho là đã “gửi nhầm” một đoạn băng ghi âm dài 15 phút với thông điệp về việc Tổng thống Rousseff đã bị Ủy ban Đặc biệt Hạ viện bỏ phiếu đồng ý thông qua việc đưa ra xét xử tại Quốc hội. Thông điệp mang nội dung ông Temer tuyên bố sẽ nhậm chức tổng thống tạm quyền được gửi đến các nghị sĩ thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), đảng từng thuộc liên minh cầm quyền với đảng Lao động (PT) của bà Rousseff nhưng hiện đã rút khỏi chính phủ. Mặc dù phủ nhận cáo buộc đảo chính, nhưng Phó Tổng thống Temer tỏ ra thách thức khi ra tuyên bố sẵn sàng nhậm chức tổng thống trong trường hợp bà Rousseff bị phế truất.

Cáo buộc đảo chính này là phản ứng đầu tiên của Tổng thống Rousseff sau động thái bất ngờ của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện. Hiện tại, được sự trợ giúp của người thầy và cũng là người tiền nhiệm Lula da Silva, bà Rousseff đang nỗ lực giành được sự ủng hộ cần thiết để tránh bị luận tội. Bởi theo các chuyên gia, nếu bị đưa ra luận tội tại Quốc hội, khả năng nữ Tổng thống Rousseff sẽ thua là rất cao.

Hạ viện Brazil dự kiến sẽ tổ chức phiên bỏ phiếu toàn thể vào ngày 17-4 tới. Nếu Hạ viện thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện. Tại Thượng viện, nếu 41 trên tổng số 81 nghị sĩ thông qua, bà Rousseff sẽ phải từ chức trong vòng 180 ngày. Đây xem ra là một tin tốt đối với phe chống đối Tổng thống Rousseff. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper tỏ ra quan ngại về tình hình  này khi các bên liên quan đang nỗ lực thúc đẩy những thủ tục đưa Tổng thống Rousseff ra luận tội dù không có bằng chứng cụ thể về việc nhà lãnh đạo này phạm tội.

 Thực tế, trong khi bà Rousseff chiến đấu cho sự sống còn của mình, chính phủ của bà hầu như đã bị tê liệt khi Brazil, nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, đấu tranh chống cuộc suy thoái sâu rộng và vụ bê bối tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay. Trước thềm cuộc bỏ phiếu luận tội, bà Rousseff còn phải gánh chịu thêm đòn giáng mạnh khi đảng Tiến bộ (PP) rút khỏi chính phủ liên minh. Việc tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền cho thấy, 49 nghị sĩ của PP dường như chắc chắn muốn bỏ phiếu ủng hộ luận tội Tổng thống Rousseff.

Nếu tổng thống bị bãi nhiệm, phó tổng thống sẽ là người tiếp tục điều hành đất nước đến hết nhiệm kỳ, tức đến ngày 31-12-2018. Tuy nhiên, người dân Brazil cho rằng, vì ông Temer từng tham gia liên minh cầm quyền nên ông cũng phải từ chức. Động thái này cho thấy, nếu ông Temer có cơ hội lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, điều đó cũng không thể giúp chính trường Brazil dịu đi.

Khả Anh