Cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào giai đoạn nước rút

Thứ tư, 14/04/2021 07:02

Mưa lũ kéo dài vào cuối năm 2020 kèm theo việc khan hiếm đá xây dựng tiêu chuẩn khiến một số gói thầu thuộc dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn chậm tiến độ. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là đơn vị đại diện chủ đầu tư cam kết huy động phương tiện, nhân lực để tăng tốc, về đích vào quý I năm 2022 theo đúng cam kết với Bộ GTVT.

Điểm đầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn khớp nối quốc lộ 9 đã tiến hành thảm nhựa. 

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện các gói thầu đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Trong đó, hai gói XL01, XL02 có thời gian thi công theo hợp đồng là 24 tháng (tháng 9-2019 đến tháng 9-2021) hiện tại cơ bản đã xong phần nền đường, đang triển khai đổ đá dăm. Đặc biệt, gói XL01 đầu tuyến tại Cam Lộ đã rải thảm nhựa tại đoạn khớp nối quốc lộ 9. Khó khăn nhất là gói XL03 với chiều dài hơn 11km có tiến độ 21 tháng (từ tháng 4-2020 đến tháng 1-2022) được đánh giá là phức tạp, trong đó có vị trí tại địa phận Mỹ Chánh (H. Hải Lăng) phải đào bốc hơn 300.000 khối đất đá.

Gói này do liên danh Công ty 319 và Cty TNHH XD Hoàng Nguyên thực hiện có mũi chậm tiến độ do mưa bão cuối năm 2020 làm sụt trượt ta luy dương, trôi cầu tạm, đường công vụ và phát sinh nước ngầm nên phải mất thời gian xử lý kỹ thuật. Để bù lại khối lượng chậm, Ban đã chỉ đạo tư vấn thiết kế vào hiện trường khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục đồng thời đôn đốc nhà thầu lập lại tiến độ điều chỉnh để tăng mũi thi công, tăng thiết bị, nhân lực, tăng ca làm việc.

Điểm đầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn khớp nối quốc lộ 9 đã tiến hành thảm nhựa.

Hiện toàn tuyến chính của dự án qua tỉnh Quảng Trị đã bàn giao mặt bằng sạch, đến nay chỉ còn khoảng 1km mặt bằng đường gom địa phương đang giải quyết, dự kiến tháng 5-2021 xong, cơ bản chưa ảnh hưởng tiến độ và đường điện 220KV địa phương đang giải quyết. Ông Nguyễn Văn Phan - Trưởng phòng điều hành dự án 3, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng khan hiếm vật liệu đá xây dựng theo đúng tiêu chuẩn để thi công đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của đường cao tốc. Việc thiếu vật liệu đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án của một số nhà thầu thi công. “Việc xử lý kỹ thuật nêu trên tại gói XL03 kèm theo khó khăn về vật liệu sẽ phải kéo dài thêm thời gian thi công do các thủ tục xây dựng cơ bản theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết là phải vừa đẩy nhanh tiến độ đồng thời phải đảm bảo chất lượng công trình”, ông Phan cho hay.

 Cầu vượt đi qua P. Hương An, TX Hương Trà, Thừa Thiên – Huế. 

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài khoảng 98 km với tổng mức đầu tư theo dự toán là 7.669 tỷ đồng, đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào tháng 9-2019. Với tổng cộng 11 gói thầu, từ khi phát lệnh khởi công đến nay, cơ bản tất cả các gói đang đồng loạt thi công. Theo phê duyệt, giai đoạn đầu Dự án có mặt cắt ngang với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 12m. Riêng các đoạn nền đường đào sâu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 23m; Các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe. Để thực hiện dự án, đơn vị đại diện chủ đầu tư và chính quyền tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã thành lập 9 khu tái định cư, di dời 191 hộ dân nằm trên tuyến.

Công nhân khắc phục hiện tượng sụt trượt tại gói thầu XL03 qua Mỹ Chánh.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn sau khi khớp nối với đoạn La Sơn – Túy Loan đóng vai trò rất quan trọng trong bước đột phá, khơi dậy tiềm năng kinh tế chưa được khai thác ở vùng đất phía Tây và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Đặc biệt tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng chiến khu cách mạng Hòa Mỹ, Nam Đông..., nơi hiện nay cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vận tải và đời sống của đồng bào các dân tộc còn rất nhiều khó khăn. Đồng thời, tuyến cao tốc cũng kết nối đến sân bay Phú Bài, cảng Chân Mây, rút ngắn thời gian lưu thông giữa hai địa phương là Quảng Trị và Thừa Thiên -  Huế. Đến đầu quý II-2021, sản lượng bình quân toàn dự án đạt khoảng 39%.

CÔNG KHANH