Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam: Đề nghị giải quyết dứt điểm các tồn tại

Thứ bảy, 03/08/2019 13:31

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Văn bản, kèm theo bảng tổng hợp chi tiết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT và Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề nghị sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến dự án này.

Nhiều diện tích ruộng của người dân xã Bình Quý bỏ hoang hơn 2 năm qua do đường cao tốc nhưng vẫn chưa được đền bù.

Trong văn bản nêu rõ, công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư và đã thông xe phục vụ giao thông đi lại, giảm tải và hạn chế TNGT trên tuyến QL1A, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh và TP trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam còn một số tồn tại, ảnh hưởng đến ATGT, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong thời gian qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và UBND tỉnh đã rất nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, VEC nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc chính của dự án.

Cụ thể, các đoạn tuyến vuốt nối nút giao TT Hà Lam (H. Thăng Bình) với QL14E và vuốt nối nút giao TP Tam Kỳ với QL40B có chiều dài mỗi tuyến khoảng 300m hiện nay vẫn chưa triển khai thi công theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt gây mất ATGT. Hiện tại, trên 2 tuyến này chỉ còn một số hộ dân chưa đồng thuận, chưa bàn giap mặt bằng. Mặt khác, trong thời gian qua, VEC và BQL dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị máy móc để thi công mặt bằng đã bàn giao nên chính quyền địa phương chưa thể phối hợp thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm những tồn tại.

Đặc biệt, dòng chảy lũ sông Thu Bồn qua cầu LRB06 và đoạn mố A2 cầu Kỳ Lam (TX Điện Bàn) chảy xiết, nguy cơ xói lở và ảnh hưởng đến an toàn của nhân dân trong khu vực. Hiện nay, UBND TX Điện Bàn đang hoàn chỉnh các thủ tục bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ giải tỏa trắng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công trong quý IV năm 2019. Mục đích  nhằm triển khai xây dựng các hạng mục gia cố, chống sạt lở đã được Bộ GTVT thống nhất chủ trương, có hồ sơ thiết kế được duyệt. Riêng đối với 6 hộ tại xã Điện Thọ (TX Điện Bàn) tại cầu LRB06 và 36 hộ xã Điện Quang (TX Điện Bàn) tại mố A2 cầu Kỳ Lam không thuộc diện giải tỏa nhưng chịu ảnh hưởng bởi dòng chảy lũ ở hạ lưu thì đề nghị chủ đầu tư dự án tổ chức kiểm tra, đánh giá tác động môi trường thực tế của dự án để địa phương có cơ sở trả lời kiến nghị của cử tri.

Nhiều hàng rào bảo vệ nằm sát đường gây mất ATGT, chính quyền địa phương đã kiến nghị dịch chuyển nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, chủ đầu tư phải hoàn trả lại các tuyến đường dân sinh đã mượn của địa phương để vận chuyển vật liệu thi công đường cao tốc. Cụ thể, đoạn vốn JICA đã thực hiện 9/13 tuyến, 4 tuyến còn lại gồm: đường ĐT611 đã hoàn chỉnh các thủ tục, thống nhất giải pháp và phạm vi xử lý với địa phương nhưng chưa triển khai thực hiện; 3 tuyến đường ĐH1.DX, ĐH8.DX, ĐH9.DX trên địa bàn H. Duy Xuyên đang thi công dang dở nhưng đã dừng triển khai khoảng 1 năm nay khiến việc đi lại  của người dân rất khó khăn, gây mất ATGT, cử tri đã kiến nghị nhiều lần. Đối với đoạn vốn WB, đường ĐT617 và 11 tuyến đường địa phương trên địa bàn 2 H. Phú Ninh, Núi Thành và TP Tam Kỳ chưa triển khai hoàn trả, mặc dù UBND tỉnh đã có công văn đề nghị nhưng đến nay chủ đầu tư và nhà thầu thi công vẫn chưa triển khai thực hiện gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, hiện nay trên tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh Quảng Nam còn khoảng 6km chưa lắp rào chắn bảo vệ gây mất ATGT. Các địa phương có đề nghị dịch chuyển khoảng 3,3km hàng rào bảo vệ có lối đi lại phục vụ sản xuất nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết. Theo báo cáo của VEC, hiện còn khoảng 24 tuyến đường ngang, đường gom chưa triển khai do vướng mắc mặt bằng, dân cản trở nhưng thực tế kiểm tra của địa phương thì còn khoảng 50 đoạn đang dang dở chưa triển khai. Có một số đoạn kênh, mương thủy lợi nằm trong hàng rào bảo vệ của đường cao tốc không có lối vào để nhân dân tiếp cận nạo vét, duy trì hoạt động tưới tiêu thủy lợi. Chính quyền địa phương đã kiến nghị một số nội dung khắc phục nhưng chủ đầu tư chưa phối hợp với địa phương để kiểm tra, giải quyết. Mặc dù Bộ GTVT đã có chỉ đạo và UBND tỉnh đã nhiều lần đề nghị việc cắm mốc hành lang an toàn đường bộ của đường cao tốc để bàn giao cho địa phương quản lý nhưng đến nay VEC vẫn chưa chỉ đạo thực hiện.

"Để ổn định sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường cao tốc, tránh tình trạng người dân gửi đơn kiến nghị, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, tổ chức họp với Bộ GTVT, UBND tỉnh và VEC để thống nhất phương án giải quyết và chỉ đạo chủ đầu tư, BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, các nhà thầu thi công tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn đề nghị trong văn bản.

LÊ VƯƠNG