Cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ tư, 22/09/2021 10:28

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất thì kinh tế mới phục hồi, người lao động có việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo. Do đó, Đà Nẵng cần cấp bách triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian phải đóng cửa chống dịch.

Đà Nẵng cần sớm triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Doanh nghiệp cần gì?

Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, đặc biệt phải thực hiện theo các giải pháp siết chặt giãn cách mới đây, nhiều DN ở Đà Nẵng đã kiệt quệ. Khảo sát mới nhất của VCCI Đà Nẵng cho thấy, hơn 73% DN cho biết bị ảnh hưởng nghiêm trọng và rất nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, hơn 41% đang phải tạm ngừng hoạt động, 1,44% đã ngừng hoạt động chờ giải thể. Nhiều DN duy trì hoạt động không phải vì lợi nhuận mà để giữ chân khách hàng, giữ người lao động. Cũng theo khảo sát, hơn 74% DN mong muốn TP hỗ trợ để nhanh chóng triển khai tiêm chủng cho người lao động, hơn 48% mong muốn hỗ trợ giảm các loại thuế, giảm lãi suất từ 1-3%.

Ông Hà Đức Hùng- Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, các DN mong muốn được hỗ trợ giảm lãi suất tối thiểu 2%. Hiện Ngân hàng nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho DN, vì thế Chi nhánh NHNN tại Đà Nẵng cần công khai các ngân hàng thực hiện chủ trương này để giám sát việc thực thi. Nên thành lập tổ giám sát có thành viên là các tổ chức đại diện của DN tham gia để theo dõi việc thực thi. Ngoài ra, cần khoanh các khoản nợ ngắn hạn hiện có từ 3-6 tháng, các khoản nợ trung dài hạn từ 6-12 tháng để không bị đưa vào nhóm nợ xấu; gia hạn nộp thuế từ 12 đến 18 tháng; miễn, giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng KCN. TP nên rà soát lại các nguồn quỹ hiện nay, vận dụng linh hoạt các quy định để đưa ra phương án giúp DN có thể vay vốn tại các quỹ với lãi suất ưu đãi hơn so với lãi suất ngân hàng; rà soát các khoản thu thuộc thẩm quyền của TP về thuế, phí, lệ phí… liên quan đến DN để cân nhắc giảm, không xem xét tăng trong năm nay và năm đến. Cần chọn lọc, phân loại ngành nghề để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của DN.

Hiện nay nhiều DN sản xuất “ba tại chỗ” gặp khó khăn lớn về chi phí bỏ ra xét nghiệm 3 ngày/lần cho người lao động. Vì vậy, nhiều DN kiến nghị TP hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, đồng thời xem xét giãn thời gian xét nghiệm có thể 1 tuần/lần, hoặc chỉ xét nghiệm ngẫu nhiên dựa theo tỷ lệ lao động đã tiêm vaccine từng DN. 

Sống chung với dịch

Ngoài các giải pháp hỗ trợ trực tiếp mang tính cấp bách thì cộng đồng DN mong muốn TP có “kịch bản” để DN “sống chung” và sản xuất an toàn với dịch bệnh. Ông Trần Văn Lĩnh- Chủ tịch HĐQT Cty thủy sản Thuận Phước cho biết, sản xuất là một chuỗi liền mạch, không thể phập phù, lúc mở, lúc đóng theo dịch bệnh. DN cần ổn định, khi có 1 ca f0 thì cách ly, khoanh vùng, truy vết…diện hẹp, còn nhà máy vẫn sản xuất bình thường. Có như vậy mới ổn định, phục hồi sản xuất. Theo kiến nghị của VCCI Đà Nẵng, TP cần xây dựng tiêu chí công nhận “DN xanh” dựa trên tiêu chí về cơ sở vật chất, nhân lực được tiêm vaccine, nhân lực ở vùng xanh… nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động trong điều kiện chính quyền thực hiện việc nâng mức giãn cách. Ông Nguyễn Thanh Phúc- Tổng giám đốc Nhà máy bia Heineken Đà Nẵng cho biết, địa phương cần phối hợp với DN xây dựng qui chuẩn, kịch bản ứng phó, xử lý f0 trong DN để kịp thời bóc tách f0, tạo điều kiện để DN tiếp tục sản xuất chứ không đóng cửa cả nhà máy. 

Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, cần thực hiện các giải pháp giãn cách thì giấy đi đường mã QR code được xem là công cụ hữu hiệu để điều tiết số lượng người ra đường. Để thuận lợi cho lao động sản xuất trong các DN, hệ thống cấp giấy đi đường cần phải liên kết dữ liệu của DN tại cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, dữ liệu khai báo y tế và tiêm vaccine… Các dữ liệu về tổng số lượng lao động, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, khai báo y tế, tiêm vaccine, địa điểm sinh sống của người lao động ở vùng xanh, vàng, đỏ... để việc cấp giấy đi đường thuận lợi hơn, đúng đối tượng hơn, minh bạch hơn. Tốt nhất nên trao quyền cho các DN được cấp giấy đi đường cho người lao động dựa trên số lượng lao động được làm việc theo quy định của chính quyền. Cơ quan quản lý nhà nước dựa trên công cụ cấp giấy đi đường QRcode giám sát việc thực hiện, DN tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, để khôi phục sản xuất ổn định, TP cần xây dựng các phương án bảo đảm cho giao thông thông suốt, bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu, hàng hóa là nguyên liệu đầu vào, sản phẩm hoàn chỉnh được vận chuyển nhanh nhất. Trong đó, cần xem xét bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu trong vận chuyển hàng hóa, tất cả các loại hàng hóa đều là cần thiết trừ hàng cấm. Chỉ nên có giải pháp quản lý, giám sát người vận chuyển. Lưu thông hàng hóa, nhân lực là “mạch máu” của sản xuất, vì thế cần thống nhất qui trình lưu thông hàng hóa, nhân lực trong điều kiện dịch bệnh toàn quốc mới giúp phục hồi sản xuất ổn định. Qui trình cấp giấy thông hành cần rõ ràng, đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động.

HẢI QUỲNH