Cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19

Thứ sáu, 04/03/2022 17:22

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có ý kiến về phản ánh của báo chí liên quan đến thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19; căn cứ tình hình thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước để khẩn trương quyết định việc cấp phép nhập khẩu và sử dụng thuốc điều trị COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị COVID-19.

Trước đó, báo chí phản ánh thực tế từ thời điểm thuốc Molnupiravir chính thức lên kệ ở các cửa hàng dược phẩm, người mua được không nhiều. Lý do là người dân không đáp ứng đủ quy định như phải có giấy xác nhận F0, có đơn thuốc do bác sĩ ký tên. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ cho rằng, bán thuốc kháng virus theo đơn bác sĩ kê là đúng. Nhưng với COVID-19, quy định này trở nên quá khó khăn, nhiêu khê. Bác sĩ nào được quyền kê đơn này, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, còn nếu chờ giấy xác nhận F0 của địa phương thì đã muộn vì thuốc chỉ dùng trong những ngày đầu mắc COVID-19. Do vậy, nên cắt giảm thủ tục nếu không người bệnh vẫn rất khó khăn khi tiếp cận thuốc.

l Ngày 2-3, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Kiêm Hảo cho biết, những ngày qua, đơn vị đã phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tình hình kinh doanh các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế trên địa bàn nhằm bình ổn giá, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn. Qua đó, đã phát hiện và xử phạt chủ một số quầy thuốc có bán sản phẩm thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định: Trên địa bàn, các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế như bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2, khẩu trang... không bị khan hiếm như nhiều người lo ngại đồng thời giá cả bình ổn. Các cơ sở kinh doanh, nhà thuốc, quầy thuốc không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán.

Tính đến giữa tháng 1-2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 200 cơ sở kinh doanh đăng ký bán thuốc điều trị COVID-19 tại nhà. Ghi nhận tại các quầy thuốc, nhà thuốc trên đường Ngô Quyền (thành phố Huế), lượt người đến mua tăng cao từ sau những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần và khi học sinh địa phương đi học trở lại. Các mặt hàng được mua nhiều nhất là sinh phẩm xét nghiệm, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2, dung dịch nước muối sinh lý, thuốc hạ sốt, thuốc ho, vitamin C…

* Tại Quảng Trị, ngành Y tế tập trung tư vấn hướng dẫn những trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại nhà; phân tầng điều trị để tránh xảy ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế; bảo đảm thuốc và vật tư y tế phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi; bảo đảm các ca mắc COVID-19 đều được tiếp cận với dịch vụ y tế khi cần; tăng cường nhân viên và vật tư y tế đáp ứng công tác phòng, chống dịch trong trường học.

Số ca mắc COVID-19 ở Quảng Trị đã tăng đột biến. Cụ thể ngày 2-3, tỉnh ghi nhận thêm 1.086 trường hợp mắc COVID-19, cao nhất từ trước đến nay và là lần đầu tiên vượt 1.000 ca/ngày; trong đó có 456 ca phát hiện qua giám sát cộng đồng, số ca còn lại chủ yếu cách ly tại nhà.

Hiện lực lượng chức năng ở các địa phương vẫn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" rà soát, thống kê các đối tượng chưa tiêm chủng, nhất là những người ở nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền để vận động tham gia tiêm chủng đầy đủ; trừ những trường hợp chống chỉ định tiêm. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm chủng lưu động đối với những trường hợp không có khả năng di chuyển tới địa điểm tiêm.

P.V