Câu chuyện “ATM gạo” ở trường THPT Đakrông

Thứ tư, 13/05/2020 20:30

“Tại cổng trường THPT Đakrông, thầy Bách và những người bạn tổ chức phát gạo cho học sinh khó khăn trọ học”, dòng tin thông báo đặc biệt từ Bí thư đoàn trường ngắn gọn nhưng đã khiến bao trò nghèo lẫn phụ huynh đang đẫm cái nắng trên nương rẫy xa xôi cảm thấy được tiếp sức mạnh mẽ. Và câu chuyện “ATM gạo” ấy là một trong những nỗ lực của thầy cô trường THPT Đakrông đã tận tâm vì học trò thân thương giữa bộn bề thiếu thốn mùa dịch Covid-19 này.

Điểm phát gạo cho trò khó khăn trọ học.

Thầy Nguyễn Phương Nam, Bí thư đoàn trường THPT Đakrông còn nhớ rõ buổi học trực tuyến môn Sử vào trung tuần tháng 4. Chói lên giữa màn hình là cô học trò nhỏ Hồ Thị Đam (lớp 12) với góc ngồi trên mỏm đá giữa bao la là nắng phủ vây Tà Lao, xã Tà Long (H.Đakrông). Bởi chỉ cần em nhích chuyển lệch vị trí, ngay lập tức mất hình do không tiếp được sóng 4G. Cái sự học vất vả của em thật đến xót xa, nghẹn đắng đọng lại giữa bài giảng.

Và ngay sau tiết học ấy, thầy cô ngay lập tức vượt đồi, núi đến với bản Tà Lao xa xôi để khẩn cấp nắm tình hình. Nhà Đam vách nứa đơn sơ, hàng xóm thưa thớt. Khu vực này sóng điện thoại yếu nên Đam phải đi bộ mấy cây số mới dò được điểm sóng mạnh nhưng vị trí hiểm trở. Chiếc điện thoại cũng là mượn được của bạn khác khối, thay phiên nhau học cho kịp chương trình. Hay như học sinh Hồ Ngọc Lần, lớp 10, một tấm gương hiếu học không chỉ của thôn Vùng Kho, xã Đakrông mà của bạn bè cùng khối. Kỳ 1 vừa qua, Lần có kết quả trong top 3 của lớp. Hoàn cảnh nhà nghèo, có lúc em mượn điện thoại của bạn, có lúc mượn của cô chủ nhiệm, nhưng vẫn vắng một số buổi học online trong lực bất tòng tâm.

Rồi những lều, lán bất đắc dĩ đã mọc lên giữa đồi, núi cheo leo để “hứng” sóng 4G...học trực tuyến. “Căn nhà đơn sơ không thể hơn. Mới thấy sự vất vả và nghị lực vượt khó của học trò mình. Cảm ơn em đã truyền lửa cho thầy cô. Và cũng thấy buồn khi chưa giúp gì được nhiều cho các em”, thầy Nguyễn Phương Nam đã chia sẻ những dòng day dứt như thế khi chứng kiến học trò thiếu thốn nhiều đến thế. Còn trên trang cá nhân thầy Phan Hoàng Bách, những dòng tự sự với vô vàn niềm thương yêu bao la sau khi về tận nơi, chứng kiến trò chật vật tìm sóng học online: “...Cảm ơn trò vì đã nỗ lực từng ngày để nuôi dưỡng ước mơ, cảm ơn trò vì đã cho chúng tôi thấy giá trị của những việc mình đang làm”.

Những lời cảm ơn của thầy cô trường THPT Đakrông như chìa khóa mở đến những trái tim thiện nguyện nhanh và nhiều nhất. Ngay từ khi hình ảnh 2 cô trò nhỏ ngồi giữa lán trại trên đồi cao chót nắng để “gọi” sóng 4G học trực tuyến, thầy cô trường THPT Đakrông đã kêu gọi ủng hộ sim 4G cho các em. Thầy Hiệu trưởng Lê Chí Thông cho hay, Đakrông là huyện nghèo, học sinh của trường đa phần là người đồng bào thiểu số, hộ nghèo nên khi học trực tuyến không đủ phương tiện như điện thoại, máy tính có kết nối internet, thậm chí thiếu cả tivi.

Niềm trăn trở không thể dùng dằng, ngay lập tức thầy cô khảo sát để hỗ trợ sim 4G và điện thoại. Từ 50 trò rồi đến 100, rồi đến 150 và nhiều hơn nữa danh sách những hoàn cảnh như Đam, như Ngọc Lần.

Chỉ trong mấy ngày vận động, đã có gần 200 sim 4G của nhiều nhà mạng được trao trực tiếp đến các em. Thầy Lê Chí Thông trực tiếp đến trao tặng cô học trò nhỏ Ngọc Lần sim 4G và điện thoại. Cũng như những chuyến đi vượt đồi, núi xa tít, thầy cô nắm chặt tay học trò động viên các em vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng sự hiếu học.

Tác động của dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, người nghèo càng ảnh hưởng nặng nề hơn, trong đó nhiều trò nghèo trọ học đang chờ thu hoạch vụ lúa mới để có gạo trở lại trường nên lại thôi thúc những người thầy tiếp tục hành trình tiếp sức. Với sự cho phép của Ban giám hiệu và hỗ trợ của Đoàn trường, thầy Phan Hoàng Bách và nhóm những người bạn lập điểm phát tặng gạo cho trò nghèo trọ học chỉ sau thời gian ngắn kêu gọi ủng hộ.

Ngày 5-5 vừa qua, đợt phát gạo thứ nhất đã được trên nửa tấn, đến ngày 11-5 này, thầy Bách và nhóm bạn tiếp tục phát gạo đợt 2, từ số lượng gạo ủng hộ nhiều hơn đợt trước. Dù khó khăn của trò nghèo vẫn khắc khoải day dứt trong lòng người thầy vùng cao nhưng giờ đã nghe thanh âm của niềm vui sau những lan tỏa thương yêu nhiều đến thế.

BẢO HÀ