Câu chuyện “tình báo và nghe lén”

Thứ hai, 16/11/2015 08:39

(Cadn.com.vn) - Loạt tấn công khủng bố phối hợp bài bản và được lên kế hoạch kỹ lưỡng nhằm vào thủ đô Paris của nước Pháp đang làm dấy lên những câu hỏi về khả năng thu thập thông tin tình báo của Pháp và cả Mỹ - quốc gia vốn đi đầu trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Nhiều người cho rằng, việc cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ kế hoạch nghe lén quy mô của Nhà Trắng, trong đó có việc sử dụng thông tin mã hóa và nhắn tin ứng dụng phức tạp khiến việc theo dõi những kẻ khủng bố càng thêm phức tạp.

Tuyên bố nhận trách nhiệm của nhóm Hồi giáo IS trong loạt khủng bố kinh hoàng ở Pháp (cũng như vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập) có khả năng làm thay đổi đáng kể những đánh giá tình báo của Mỹ về khả năng tấn công hàng loạt của IS. Đồng thời, các cuộc tấn công này nhấn mạnh những khó khăn mà Mỹ và các cơ quan tình báo phương Tây đang gặp phải trong việc theo dõi các nhóm khủng bố, dẫn đến cảnh báo lặp đi lặp lại rằng, những nỗ lực tiến hành giám sát khủng bố IS “đang đi vào bóng tối”.

Trong năm qua, các quan chức tình báo đều chung nhận định, IS đang chuyển đến phương pháp liên lạc thông tin phức tạp hơn, nội dung được mã hóa đặc biệt, sử dụng phần mềm mới như Tor, gây khó khăn cho cơ quan tình báo các nước. Và sự chuyển đổi này bắt nguồn từ những tiết lộ của Snowden về chương trình nghe lén quy mô lớn của Nhà Trắng. Thất bại trong khả năng thu thập thông tin tình báo dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng, điển hình là loạt tấn công kinh hoàng ở Paris.

Các phần tử tấn công khủng bố, đều được trang bị vũ khí tối tân và đeo đai bom. Những phần tử này phối hợp với nhau tấn công Paris cùng một lúc, gây thương vong lớn nhưng tiếc thay giới tình báo Pháp hay Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác không thể có bất kỳ đầu mối nào về vụ việc này. “Đây rõ ràng là thất bại thảm hại của ngành tình báo”, Ali Soufan - cựu  quan chức tình báo nhận định. Ông Soufan lưu ý, loạt tấn công Paris tất nhiên cần có kế hoạch quy mô và chi tiết, bao gồm việc nhận hỗ trợ từ mạng lưới các cảm tình viên IS – vốn có khả năng giúp đỡ các tay súng có được vũ khí và chất nổ cũng như đặt ra các mục tiêu và tiến hành giám sát mọi việc.

Trong hơn 1 năm qua, các quan chức tình báo và thực thi pháp luật phương Tây nêu bật các mối đe dọa của các chiến binh nước ngoài, trong đó có khoảng 100 người Mỹ và hàng ngàn người mang hộ chiếu Châu Âu, đổ xô đến Syria và Iraq để chiến đấu cho IS và có thể trở lại để tiến hành các cuộc tấn công ở phương Tây. Lo ngại này cũng là lý do khiến các nước Châu Âu ngăn chặn dòng người tị nạn từ Syria đổ xô vào Châu Âu trong thời gian qua. Hiện nay, các quan chức Pháp đang điều tra khả năng một trong những kẻ khủng bố đến Pháp từ Syria như một người tị nạn.

Nhưng cho đến nay, các quan chức Mỹ có xu hướng mô tả các mối đe dọa này vẫn chủ yếu đến từ “những con sói đơn độc”. Washington cho đến nay vẫn “coi thường” khả năng IS có ý định hoặc khả năng thực hiện kiểu tấn công như vụ 11-9-2001 như Al-Qaeda. Nhưng vụ tấn công ở Pháp hiện nay có thể buộc Mỹ và nhiều quốc gia phải nhìn nhận lại vấn đề và mối đe dọa kinh khủng đến từ IS.

Thanh Văn