Câu hát đưa đồng đội trở về
Từ những câu hát trong phim mà tìm được hài cốt em trai chính là điều may mắn của gia đình liệt sĩ Phan Hữu Dũng. Quê Đà Nẵng, chiến đấu ở đơn vị Đại đội 2 (C2) Hòa Vang. Làm đến đại đội trưởng, suốt 8 năm cầm súng cho đến ngày quê hương giải phóng, ông Trần Chiến Chinh (trú 15-Nguyễn Cư Trinh, Hải Châu, Đà Nẵng) luôn giữ thói quen viết nhật ký chiến trường. Có trình độ văn hóa lớp 11 trước khi thoát ly, tính điềm tĩnh, cẩn thận cùng lòng yêu thương tha thiết với đồng đội nếm mật nằm gai, chia ngọt sẻ bùi nên các trang nhật ký của ông cứ dày thêm qua từng năm tháng. Như một cuốn sử thu nhỏ của đơn vị, ông ghi cụ thể mỗi trận đánh, từng biến cố của C2, đặc biệt là bối cảnh hy sinh của cán bộ, chiến sĩ mà ông chứng kiến. Ba tập nhật ký đầy ắp con chữ ấy trở thành nỗi trăn trở suốt những năm dài khi ông rời quân ngũ chuyển sang làm ở công ty về tơ tằm.
Cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ Phan Hữu Dũng ở Hầm Xẻ - Cấm Đình. |
Nhiều lần đọc ký ức năm xưa, ông Chinh lại bần thần không biết đồng đội hy sinh đã được quy tập hết chưa, có ai nhớ đến họ không? Vậy là ông nghiền ngẫm để rút ra thành bài thơ với 300 câu lục bát, có "sức chứa" 200 cái tên đồng đội và các mẹ, chị cơ sở cách mạng ở C2 và Khu 2 Hòa Vang. Chưa dừng ở đó, ông liên hệ với đạo diễn Nguyễn Lê Tâm, một chủ studio tư nhân chuyên làm phim ca nhạc ở Đà Nẵng để làm phim "Một thời để nhớ". Hai nghệ sĩ Thanh Châu và NSƯT Ngọc Thủy nhận lời thể hiện trong phim bằng làn điệu dân ca bài chòi Khu 5. Ông Chinh mất nửa năm trời lên rừng, xuống thác cùng đạo diễn Nguyễn Lê Tâm và ê-kíp rong ruổi làm phim. Kinh phí lên đến gần 100 triệu đồng hoàn toàn bằng tiền túi ông bỏ ra. May mắn là ông đã được các cựu chiến binh (CCB) ủng hộ, tham gia trở lại các căn cứ xưa, tái hiện cuộc sống chiến trường Hòa Vang khốc liệt. Sau khi công chiếu tháng 12 - 2014 ở Huyện ủy Hòa Vang và được đăng tải trên mạng điện tử, bộ phim của ông đến nay đã có gần 100.000 lượt truy cập. Điều kỳ diệu là phim đã giúp rất nhiều gia đình tìm được hài cốt thân nhân của mình. Đặc biệt nhất là trường hợp trung đội trưởng Phan Hữu Dũng. Ông Thuần, anh trai của liệt sĩ Dũng, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh lâu nay biết em mình hy sinh ở xã Hòa Phong nhưng vì chỉ qua khu vực Hầm Xẻ - Cấm Dơi nên dù đã tìm nhiều lần vẫn vô vọng. Nghe mọi người giới thiệu bộ phim của CCB Trần Chiến Chinh, ông đã tìm xem và khi nghe câu hát "Đi qua Hầm Xẻ- Cấm Đình. Tứ bề địch phục, Dũng nằm lại đây" thì biết đó chính là em mình. Liên hệ với ông Chinh và đọc nhật ký, gia đình mừng rỡ khi may mắn biết rất rõ trường hợp Dũng hy sinh. Sau đó hài cốt liệt sĩ đã được đồng đội giúp đỡ rất nhiệt tình để cất bốc và quy tập về nghĩa trang...
CCB Trần Chiến Chinh mở cuốn nhật ký đã hơi ố vàng nhưng nét chữ vẫn rất rành mạch, chân phương dễ đọc. Lần chạm trán với địch ngày 20-6-1971 được ghi khá chi tiết. Trung đội trưởng Dũng ngã xuống khi bị dính loạt đạn đầu tiên. Sơn, trinh sát đại đội cũng hy sinh sau đó. Nếu tên tuổi của liệt sĩ Dũng được ghi khá rõ thì với liệt sĩ Sơn người cùng hy sinh trận đó, ông Chinh chỉ ghi là quê miền Bắc, trước khi về C2, Sơn ở đơn vị đặc công Lam Sơn Thanh Hóa. Trong nhật ký cũng ghi rõ vị trí chôn cất hai liệt sĩ trong hang đá Cấm Dơi, hòn đá làm dấu đặt ở đầu. Vì thế việc cất bốc hài cốt Phan Hữu Dũng khá thuận lợi. Riêng với trường hợp liệt sĩ Sơn, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã liên hệ với Thanh Hóa và tìm được quê quán là Triệu Hà, Triệu Sơn, Thanh Hóa. Việc cất bốc sẽ tiến hành trong nay mai.
CCB Trần Chiến Chinh mở nhiều trang nhật ký khác về sự hy sinh của đồng đội. Tiểu đội trưởng Võ Kiến là người ông không thể nào quên. Trong chiến tranh không kịp hỏi han nhiều, ông chỉ biết Võ Kiến quê ở Kiến An, Hải Phòng. Đó là một chàng trai to khỏe, đến mức khi ông Chinh trèo lên cây cao quan sát địch, nhánh bị gãy, vậy mà Võ Kiến ở dưới đã đỡ ông nhẹ nhàng. Trong trận đánh ở Điện Sơn (nay là Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam), Võ Kiến bị địch bắn bể bụng và hy sinh tại chỗ vào ngày 4-5-1971. Ông Chinh cõng đồng đội của mình ra khỏi vòng vây và bàn giao cho cơ sở. Ông Chinh dành đến 2 trang nhật ký lưu lại tình cảm rất xúc động của mình dành cho bạn. Trong phim "Một thời để nhớ", ông viết: "Nhớ khi cõng Kiến trên lưng. Hiền Lương nối nhịp nhớ tìm nhau nghe". Vậy mà ông đã không tìm được quê quán liệt sĩ Võ Kiến để đến bây giờ cứ day dứt mãi về một đồng đội mà mình vô cùng yêu quý.
Trang nhật ký về ngày hy sinh của liệt sĩ Phan Hữu Dũng. |
May mắn hơn là đối với trường hợp trung đội trưởng Trần Xuân Tích cũng hy sinh ở Điện Tiến, được ghi khá rõ trong nhật ký và ông đã liên lạc được với gia đình liệt sĩ ở Nam Định. Vậy mà chuyến đi ấy thất bại. Giọng ông Chinh chùng xuống: "Khi Tích hy sinh ngày 9-9-1972, địch khiêng về xóm 3. Chị Hạt, một cơ sở của chúng tôi đã chôn cất cẩn thận. Sau giải phóng chị ấy đã bàn giao cho xã Điện Tiến và còn nhớ rất kỹ vị trí hàng mộ của anh Tích trong nghĩa trang. Nhưng cán bộ lúc ấy tắc trách đã không lưu tên vào bia, còn ghi nhầm tất cả lính C2 Hòa Vang thành Sư đoàn 2 (F2), trong khi F2 không hề đánh ở đây". Đó cũng là trường hợp của Võ Kiến, cơ sở biết rất rõ vị trí chôn ở nghĩa trang xã này nhưng liệt sĩ Kiến vẫn chịu vô danh. Sắp tới, Ban liên lạc C2 sẽ làm quyết liệt hơn để trả lại tên cho đồng chí của mình.
Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng nói với ông Chinh đầy biết ơn: "Cứ theo 3 cuốn nhật ký và bộ phim "Một thời để nhớ" của anh thì sẽ tìm ra rất nhiều hài cốt liệt sĩ nữa. Đúng là kỷ vật vô giá...". CCB Trần Chiến Chinh thì khẳng định: "Còn sức khỏe tôi sẽ còn tiếp tục đi tìm đồng đội!".
HỒNG VÂN