“Cầu nối” đến với người nghèo vùng cao
(Cadn.com.vn) - Từ nhiều năm nay, tỉnh Gia Lai đã huy động mọi nguồn lực, tập trung chăm lo an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao mức sống cho bà con và giữ gìn sự yên bình ở các buôn làng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Gia Lai là một trong những “kênh” quan trọng trong công tác này, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng.
Ông Lê Văn Chí, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Gia Lai cho biết, tuy còn khó khăn song ngân hàng cố gắng đưa đồng vốn đến với hộ nghèo ngày càng nhiều và đạt hiệu quả cao trong quá trình sử dụng. Từ nay đến ngày 30-9-2016, Chi nhánh phấn đấu đạt doanh số cho hộ nghèo vay khoảng 85 tỷ đồng, nâng tổng mức dư nợ đạt 3.075 tỷ đồng với gần 140.000 khách hàng. Năm 2015, với hàng trăm tỷ đồng cho vay, Ngân hàng đã giúp 9.000 lượt hộ nghèo và hơn 6.000 hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động, tạo điều kiện cho gần 1.000 học sinh, sinh viên được đi học, xây dựng hơn 10.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Thực tế cho thấy, số hộ nghèo trên địa bàn được vay vốn chính sách đã phát huy hiệu quả rõ rệt, sử dụng vốn đúng mục đích, chủ yếu tập trung phát triển và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phần lớn số hộ nghèo được vay vốn đã có đủ điều kiện thoát nghèo bền vững, không ít hộ vươn lên làm giàu nhanh chóng sau khi đã thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Siu H’Bil, người dân tộc J’rai ở làng Mooc Trang, xã Ia Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ. Từ một gia đình nghèo nhất làng, nay gia đình chị đã khá hơn và có dôi dư tích lũy nhờ được vay vốn chính sách. Qua 3 lần vay vốn với tổng số tiền 40 triệu đồng, ban đầu chị mua bò sinh sản, nay đã phát triển được đàn bò 8 con. Có vốn, chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, trồng thêm 1ha điều, 1ha sắn và 5 sào lúa nước 2 vụ... Nhờ vậy, gia đình chị có tổng mức thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Đinh Êm, người dân tộc Ba Na ở thôn 1 xã Đông, H. K’Bang, cũng thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách để mua bò lai và trồng mía cao sản. Anh tâm sự: “Trước đây, nhà mình nghèo lắm bởi không biết cách làm ăn, hơn nữa là không có vốn. Nhà có 5 miệng ăn, 2 vợ chồng làm quần quật quanh năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2011, mình được tiếp cận vốn của ngân hàng và vay 20 triệu đồng để mua bò về nuôi, cải tạo đất để trồng 2 ha mía... Sau 2 năm, nhà mình đã thoát nghèo, tổng thu nhập từ việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi khoảng 80 triệu đồng/năm”.
Để đạt được kết quả trên, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ tín dụng có trình độ, kỹ năng và tâm huyết với nghề, coi đây là “chiếc cầu nối” đưa vốn đến với người nghèo. Chi nhánh hiện có 186 cán bộ nhân viên, trong đó có hơn 50% số người được bố trí làm công tác tín dụng trực tiếp tại cơ sở. Bình quân mỗi cán bộ tín dụng phụ trách từ 3 - 4 xã, có những xã nằm ở địa bàn xa trung tâm huyện lỵ đến 40 - 50km, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Hơn 95% số cán bộ tín dụng của đơn vị đều có trình độ đại học, được “phủ kín” đến các xã trong tỉnh và luôn hoạt động có hiệu quả.
Anh Võ Huy Cần, cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội H. K’Bang được phân công phụ trách 3 xã trên địa bàn, trong đó có Kon Pne - xã xa nhất và cũng là khó khăn nhất của huyện. Nếu đi bằng xe máy hoặc ô-tô từ trung tâm huyện đến trung tâm xã phải mất hơn 2 tiếng, vào mùa mưa thì mất 4 tiếng, bởi đường rừng trơn trượt khó đi. Cả xã có 3 làng đồng bào dân tộc Ba Na với 350 hộ và chưa đầy 1.500 nhân khẩu. Bà con còn nghèo bởi thiếu các điều kiện cần thiết để vươn lên trong cuộc sống, trong đó có nguồn vốn vay. Xác định nhu cầu cấp thiết của đồng bào, anh Cần không quản ngại khó khăn, dành nhiều thời gian cho bà con. Bình quân mỗi tháng anh về công tác ở Kon Pne khoảng 15 ngày để tiếp cận, hướng dẫn và vận động đồng bào nghèo vay vốn chính sách, phát triển sản xuất. Anh cùng với chính quyền địa phương và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền; ban ngày bà con làm nương rẫy thì tối lại đến tận nhà để chuyện trò, tâm sự về nguyên nhân và giải pháp khắc phục nghèo đói từ bao đời nay bằng đồng vốn vay của ngân hàng chính sách để thoát nghèo với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Số hộ vay vốn chính sách ở Kon Pne từ chỗ được coi là “vùng trắng” 10 năm về trước, năm 2003 chỉ có 3 hộ vay với dư nợ tín dụng 17 triệu đồng, đến năm 2014 có 95 hộ vay vốn với tổng dư nợ gần 1 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội ở huyện biên giới Đức Cơ được đơn vị phân công phụ trách 4 xã với hơn 40 buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó xã Ia Lang xa nhất, cách trung tâm huyện lỵ hơn 30km. Gần như trọn cả tháng chị đều có mặt tại cơ sở, lúc ở xã này khi về xã khác, chị đi lại như con thoi và ít khi được ngơi nghỉ, kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật. Với tinh thần và trách nhiệm cao, chị Thảo luôn gắn bó với người nghèo, không những tiếp cận để cho bà con nghèo vay vốn mà còn hướng dẫn và giám sát trong quá trình thực hiện để đồng vốn vay của hộ nghèo được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Chị Thảo tâm sự: “Mình rất vui khi có nhiều hộ nghèo trên địa bàn phụ trách được vay vốn chính sách và vui hơn nữa khi nhìn thấy bà con sử dụng đồng vốn hiệu quả, mang lại nguồn lợi cho gia đình, từng bước thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống ổn định”.
Văn Thông