Câu thơ thay lời muốn nói

Thứ năm, 20/08/2020 18:35

Chập chờn đợi phút thăng hoa/ Câu thơ nối được hồn ta, hồn người (Lê Quốc Hán). Sẽ không có những vần thơ rung ngân lòng người nếu thi sĩ không đối diện với khoảng lặng chập chờn đằng sau những trải nghiệm, nghĩ suy của chính bản thân mình. Trong những ngày Đà Nẵng, thành phố xinh đẹp bên sông Hàn oằn mình chống cơn bão Covid-19 lần hai, sức mạnh của thi ca càng được phát huy bởi  phần nào thực hiện sứ mệnh nối được hồn ta, hồn người. Những dòng thơ chứa chan nỗi niềm của người dân đang sống ở tâm dịch, cùng những sẻ chia của bạn bè tứ phương gửi về trên những tập sách, trang báo, mạng xã hội và đặc biệt là ở trang thơ Đà Nẵng cuối tuần vừa phát hành sáng 7-8-2020 đã trở thành nhịp cầu nối liền giữa những tâm hồn đồng điệu. Đọc những vần thơ chân thành ấy, lòng độc giả rưng rưng bao cảm xúc. 

Ảnh minh họa.

Những câu thơ của cô giáo Ngọc Uyển viết tặng chồng, bác sĩ Trịnh Minh Thế (BV C, Đà Nẵng) khiến lòng ta thổn thức: Có một chiều anh phải nói xa em/ Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại/ Cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa ngái/ Em mỉm cười... nước mắt cất vào tim (Đà Nẵng ngày bão giông). Những vần thơ ấy đâu cần chải chuốt mà có sức ngân rung bởi được cất lên từ những cảm xúc thật lòng của "người trong cuộc". Thầm lặng từ biệt tiếng đời lăn náo nức bước vào cuộc chiến đấu mới cùng lời thề Hypocrate, các anh các chị sẵn sàng gác lại chuyện riêng tư mà toàn tâm toàn ý vì từng giây sự sống cho bệnh nhân. Mến tặng nữ bác sĩ BV Đà Nẵng, Cao Xuân Hiệu lay động tâm tư người đọc với "Thương quá, tóc dài ơi": Mái tóc đen dài mềm mượt lưng thon/ Em chăm chút yêu chiều duyên con gái/ đã bao lần gặp em tôi ngoái lạ /Cứ ngẩn ngơ hương tóc thoảng trong chiều/...Mái tóc đen dài từng chăm chút nâng niu/ Em cắt ngắn vào ca cho khỏi vướng...". Làn da, mái tóc mang linh hồn nữ tính, giờ đây các chị vì đặc thù công việc phải đành đoạn cắt đi, và tôi chắc rằng có sợi tóc nào  rơi trong đáy mắt/ Mà sao giọt lệ cứ lăn thầm? (NNH).

Càng cảm động hơn khi Đà Nẵng thân yêu nhận được biết bao chân tình từ những sẻ chia trong cơn đại dịch. Đó là những chuyến hàng viện trợ khẩu trang, vật tư y tế đến nhu yếu phẩm và cao hơn hết là sự tiếp sức kịp thời từ những đoàn bác sĩ, y sĩ từ bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, từ Hải Phòng, Bình Định... Từ Quảng Ninh xa xôi, Nguyễn Thị Nguyệt đã gửi vào Đà Nẵng những ân tình: Giấc ngủ của Đà Nẵng chập chờn, cả nước sao yên được?/ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... tiếp sức cùng chống dịch/ Đợi một mùa thu bình yên, nắng ấm tỏa sông Hàn. Thật vậy, Đà Nẵng vững tâm hơn khi nhận những món quà tinh thần tuyệt vời đó, và Mai Thanh Vinh đã thay lời muốn nói cho tất cả chúng ta: Cám ơn anh, cám ơn chị gần xa/ Thương khúc ruột, cái tình chung bọc/ Trăm quả trứng lên ngàn xuống bể/ Dẫu nhọc nhằn đâu thể buông tay (Rồi sẽ qua).

Trong đại dịch Covid 19, mỗi người dân thành phố bên sông Hàn đều có ý thức chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Nếu tuyến đầu những bác sĩ, điều dưỡng bước vào cuộc chiến với từng đêm trắng thao thức tóc già hóa sương, thì ở tuyến sau, biết bao con người say sưa làm thiện nguyện với những hộp cơm không đồng, những gói quà không đồng trĩu nặng tình thân; người công nhân môi trường Gò lưng xe rác nặng, cả ngày chỉ cúi mặt làm bạn với con đường hay những tấm gương thầm lặng cống hiến vì một Đà Nẵng ngày mai: Em công nhân đã mất hẳn nụ cười/ Chiếc khẩu trang biến em thành xa lạ/ Nhưng đôi mắt em vẫn ngời lên hối hả/ Vẫn quyết tâm sản xuất, kịp giao hàng (Nung nấu một niềm tin-Huỳnh Văn Chính)...

Còn nhiều và nhiều nữa những nghĩ suy cất lên từ những tấm chân tình mà người dân Đà Nẵng chúng ta không thể đọc hết được. Tôi tin rằng vần thơ xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim người đọc cho dù còn thô mộc, chưa được mài giũa ngôn từ. Như lời nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nhận xét: "những bài thơ viết vội, có thể chưa hay mà chân thành thắm thiết, các tác giả thay lời muốn nói, bày tỏ lòng biết ơn của từng người dân thành phố với đội ngũ chiến binh áo trắng đang thầm lặng hy sinh trong cuộc chiến đấu này. Câu thơ không chỉ làm lay động lòng người, góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ ngày đêm chống dịch mà còn là lời nhắc nhở, nung nấu niềm tin về một thành phố yên bình vốn có của đất nước thân yêu". Mong rằng sức mạnh của thi ca muôn đời mãi mãi như dòng sông bồi đắp hy vọng để: Thành phố mình vượt qua mùa bão dịch/ Những mầm xanh từ rát buốt đâm chồi (Trần Văn Thọ).

NGUYỄN THỊ THU THỦY