Cây mận Vĩnh Linh của Phùng Quán

Thứ bảy, 31/08/2013 12:50

(Cadn.com.vn) - Năm 1964, Phùng Quán được chuyển về công tác tại Phòng tuyên truyền (Bộ Thủy lợi), rồi Vụ Văn hóa quần chúng (Bộ Văn hóa), Nhà Văn hóa Trung ương. Thời kỳ này anh nhiều lần đi thực tế sáng tác ở Vĩnh Linh, Quảng Bình. Các năm 1967, 1970, Phùng Quán có hai chuyến đi thực tế sáng tác vào Quảng Bình, Vĩnh Linh địa đầu giới tuyến. Thời kỳ này, vùng đất lửa đang chiến đấu quyết liệt với máy bay tàu chiến Mỹ  từng ngày để bảo về miền Bắc XHCN. Trong các chuyến đi thực tế “chiến trường Khu IV” bom đạn ngút trời này, Phùng Quán viết được rất nhiều thơ. Ở Quảng Bình anh viết bài thơ Cỏ rười, Giấc mơ ở Ngư Thủy; ở Vĩnh Linh, viết được chùm thơ  ba bài: Cách người Vĩnh Linh sống và chết, Cây mận Vĩnh Linh, Hồ tiêu Vĩnh Linh. Trong bài thơ Cách người Vĩnh Linh sống và chết, Phùng Quán kể về cái chết tập thể của bộ đội và dân quân khi đang chiến đấu trên trận địa: Sống/ Chung khẩu súng, tình yêu, nỗi giận/ Chết/ Chung thịt xương.../Đó là một cách sống trong nhiều cách sống/Đó là một cách chết trong nhiều cách chết/Của Vĩnh Linh/Anh hùng. Bài thơ Hồ tiêu Vĩnh Linh thì: Vị cay thấm tận đáy hồn/Bao nhiêu bi tráng đã dồn lại cay! Tất cả những bài thơ này sau này đều được tuyển vào tuyển Thơ Phùng Quán. Ngoài thơ, nhà thơ  yêu quý của chúng ta còn viết được thiên bút ký Vĩnh Linh, (sách lịch sử văn hóa, ký tên tác giả là Nguyễn Huy, Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1982. In tới 6.100 bản).

Phùng Quán

Cây mận Vĩnh Linh là bài thơ hay. Bài thơ ngũ ngôn, chỉ có 5 khổ, 20 câu mà khái quát được nỗi đau chiến tranh và sự bất khuất của người Vĩnh Linh tuyến đầu Tổ Quốc thời đánh Mỹ. Bài thơ là một câu chuyện đau thương và cảm động được kể với một bút pháp giản dị mà điêu luyện, gây nên sự  bất ngờ cảm động: Lấp hố bom giữa nhà/Tôi trồng một cây mận/Trái mận tôi cạy ra/Từ bàn tay vợ nắm. Người vợ ấy ốm nghén, thèm ăn rở của chua. Trong túi áo bao giờ cũng có mận, mơ, khế. Người vợ trẻ ấy sắp được làm mẹ thì một buổi sáng máy bay Mỹ dội bom vào làng. Chị bị bom  giặc giết khi đang cắn dở trái mận. Người chồng trực chiến về thấy người vợ trẻ và đứa con trong bụng đã qua đời, thân thể đẫm máu, khóc nghẹn nước mắt. Rồi anh cạy trái mận trong tay vợ, chôn xuống đất vườn nhà, như chôn một mối hận thù vào đất. Khi kháng chiến thắng lợi, người chồng về lại quê hương Vĩnh Linh bazan tươi tốt, đã thấy nơi vợ mình ngã xuống năm xưa mọc lên một cây mận xum xuê trái chín trĩu cành...

Câu chuyện buồn đau là thế, nhưng dưới ngòi bút Phùng Quán, thành bài thơ tuyệt bút, sâu sắc. Bài thơ có tứ lớn, cách diễn đạt giản dị, dễ hiểu, mà tầm khái quát vô cùng lớn lao, thâm hậu. Đó là sức sống trường tồn của người Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Vợ tôi sắp làm mẹ

Thèm ăn rở của chua

Túi áo nàng không khế

Thì cũng mận, cũng mơ

 

Ôi trái mận, trái mận

Cắn giở còn vết răng

Nảy mầm trong xót thương

Đâm chồi trong thù hận

 

Vĩnh Linh im tiếng súng

Tôi trở lại ngôi nhà

Nơi vợ tôi nằm xưa

Xum xuê một cây mận

Cây mận trong bài thơ Phùng Quán đã thành biểu tượng của ý chí và sức mạnh Vĩnh Linh, sức mạnh Việt Nam. Bài thơ có khổ kết rất sâu, vừa quay lại câu chuyện ban đầu, vừa là tố cáo đanh thép đối với chiến tranh, coi tính mạng con người như giun dế.

Ôi cây mận, cây mận

Trái chín trĩu cành cong

Trái nào tôi cũng thấy

Cắn giở có vết răng!

Bài thơ là khẩu khí và trực cảm Phùng Quán trong mạch thơ viết về cây trái, hoa cỏ theo một cách rất riêng của mình, đó là chất  Thi - Sĩ -Vệ-Quốc-Đoàn-Phùng- Quán!

Ngô Minh