“Cây thần dược” ở Khánh Hòa đã “về” Đà Nẵng

Thứ tư, 19/12/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Sau khi nấm lim xanh gây cơn sốt tại Quảng Nam, tại Khánh Hòa lại rộ lên thông tin có “cây thần dược” chữa được rất nhiều bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là 5 loại ung thư... Vì những lời truyền miệng, giá của rễ, gốc, cây thần dược xuất phát từ rừng Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa) có khi mỗi ký được thu mua gần cả triệu đồng.

Việc săn đào loại cây này “nóng” đến nỗi chính quyền phải huy động kiểm lâm, công an, quân đội bảo vệ, truy quét... Tiếp đó, một thông tin cũng rất “sốt” là đã có một lương y ở Đà Nẵng lặn lội vào Khánh Hòa mua cây này, ngoài việc để bào chế thuốc, ông đang có ý định thuê đất để nhân giống...

 Lương y Trần Đình Vạn với bộ rễ cây xáo tam phân đưa về từ Khánh Hòa.

Mục sở thị “cây thần dược”

Chúng tôi đến Trung tâm thừa kế ứng dụng y học cổ truyền của lương y Trần Đình Vạn trên đường Duy Tân, TP Đà Nẵng để xem tận mắt “cây thần dược”. Ông Vạn cho biết vừa trải qua gần 1 tuần lặn lội trong các khu rừng thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa và đến nhà những người đang sở hữu rất nhiều loại cây này để tìm mua. Kết quả là ông đã bỏ ra gần chục triệu đồng mua được một số rễ đã có tuổi, rễ chùm và cây đã được thái lát. “Tôi phải thuê người dân tại địa phương dẫn đường đi tìm cây, đến các nhà của đầu nậu và người được cho là đã có tiến triển tốt trong việc dùng cây này điều trị xơ gan cổ trướng”, lương y Trần Đình Vạn nói. Ông đưa cho tôi xem rất nhiều bộ phận của “cây thần dược”. Ngoài 2 khúc rễ to gần bằng cổ tay, dài gần 1m cùng một ít rễ phơi khô có mùi thơm, ông còn cho tôi xem một cây nhỏ đã được trồng cẩn thận trong chậu. Nhìn qua, cây vừa có nét giống cây mật nhân lại vừa giống cây quýt rừng.

Theo lời ông Vạn, cây mà người dân tại Khánh Hòa đang gọi là “thần dược” này có tác dụng ức chế đối với 5 dòng tế bào ung thư: ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8 và ung thư cổ tử cung Hela (mạnh nhất với ung thư gan Hep-G2 và ung thư cổ tử cung). Tuy nhiên nó chỉ là một thành phần nằm trong bài thuốc với tất cả 9 loại dành cho phụ nữ và 7 loại dành cho đàn ông. 8 loại còn lại là rễ cây cứt lợn, rau dớn dại, mắt quả thơm, cùi quả thơm, cây mắc cỡ, nghệ đen, mật ong và gan lợn. “Tôi được biết, nhiều người tại Đà Nẵng cũng đã vào Khánh Hòa mua về dùng. Hiện tại, tôi đang điều trị cho một người bằng bài thuốc này. Bản thân tôi cũng dùng loại thái lát uống hằng ngày và thấy nó có tác dụng rất tốt cho đường tiêu hóa”, lương y Vạn nói. Là một trong những người đầu tiên sở hữu “cây thần dược”, ông cho biết sẽ thuê đất trồng nhiều cây này vì khí hậu ở Đà Nẵng giống khu rừng Hòn Hèo tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa.

  Cây xáo tam phân này được mua từ Khánh Hòa về.

Cây “thần dược” là cây gì?

Vì cơn sốt diễn ra trong một thời gian dài, ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương nên ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc để xác định loại cây mà người dân quen gọi là “cây thần dược”. Sau khi tiếp nhận báo cáo của Sở Y tế tỉnh, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã vào cuộc và xác đinh loại cây này có tên tiếng Việt là xáo tam phân (tên khoa học là Paramignya trimera). Xáo tam phân có các thành phần chính là flavonoid, saponin, alcaoid và chủ yếu là courmarin và triterpenoid. Các thành phần này có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp ở thí nghiệm trên chuột nhắt trắng và ức chế đối với 5 dòng tế bào ung thư gồm: ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8 và ung thư cổ tử cung Hela. Thí nghiệm cũng cho thấy, với độc tính thấp, xáo tam phân khá an toàn khi sử dụng.

Mặc dù vậy, theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục đề nghị Bộ Y tế và các Cục, Vụ, Viện trung ương liên quan hướng dẫn các bước cần thiết nhằm khẳng định cây thuốc này có tác dụng điều trị đối với người hay không, vì các kết quả trên mới thực hiện trên động vật. Hỏi căn cứ vào đâu có thể tin được là cây xáo tam phân có tác dụng đối với các bệnh như đã nói ở trên, lương y Trần Đình Vạn cho biết đã tới tận nhà bà Trần Thị Xuân Hồng (thôn Tây, xã Ninh Vân, TX Ninh Hòa) để hỏi thăm bệnh tình của chồng bà là ông Hăng–người đã có dấu hiệu thuyên giảm bệnh xơ gan cổ trướng sau thời gian uống nước sắc từ cây này. “Ông Hăng được một người bạn là Lương Sinh bày cho bí quyết chữa bệnh. Vì ông Sinh biết được bài thuốc này từ cha là người dân tộc”, ông Vạn kể.

 Rễ cây xáo tam phân

Trao đổi về cây xáo tam phân, lương y Trần Hữu Nam–Phó chủ tịch Thường trực Hội Đông y Đà Nẵng cho biết, đã làm nghề nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên nghe đến tên loại cây này. “Việc xác định tác dụng chữa bệnh của một loại cây nào đó thì cần có phân tích, thí nghiệm, kết luận của Bộ Y tế, cụ thể là Viện Dược liệu. Trước hết, phải xem cây này có tác dụng điều trị các bệnh nói trên đối với người hay không. Nếu có thì việc tiếp theo phải xác định khi được đưa ra bán có bị trà trộn, làm giả. Đối với một bài thuốc, khi dùng phải có căn cứ khoa học chứ không thể dùng vì lời đồn thổi”, lương y Trần Hữu Nam nói.

Công Khanh