Chấm dứt “một thập kỷ bị đánh mất”

Thứ sáu, 09/05/2014 09:39

(Cadn.com.vn) - Thực tế chính trường Nhật Bản hiện cho thấy, Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực thực hiện các bước để giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên sau “một thập kỷ bị đánh mất”.

Sự trở lại của ông Shinzo Abe trên cương vị Thủ tướng Nhật trùng với thời điểm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng trong khi Triều Tiên tiếp tục với các bài diễn tập quân sự, ông Abe giảm bớt chính sách cứng rắn đối với Bình Nhưỡng và nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán với lãnh đạo Bình Nhưỡng. Điều này đã phục hồi hy vọng tiến bộ trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Đông Á.

Là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên ủng hộ vấn đề người Nhật bị bắt cóc, việc ông Abe lên nắm quyền vào đầu những năm 2000 gắn liền với các bế tắc hiện nay trong quan hệ hai bên. Sự thừa nhận chính thức của Bình Nhưỡng và lời xin lỗi vì chiến dịch bắt cóc công dân Nhật trong những năm 1970-1980 nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh 2002 giữa cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi và cố Chủ tịch Kim Jong-Il bùng nổ làn sóng chỉ trích công khai tại Nhật Bản. Vấn đề bắt cóc ngay lập tức thay thế chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu: bình thường hóa quan hệ ngoại giao như đã nêu trong Tuyên bố Bình Nhưỡng.

Trong con mắt của ông Abe và những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc của vị Thủ tướng này, vấn đề bắt cóc nhấn mạnh rõ ràng rằng, Hiến pháp sau chiến tranh “dễ bị tổn thương và không chính đáng”. Điều này cho thấy, chính phủ không có khả năng bảo đảm an toàn cho công dân và toàn vẹn lãnh thổ. Do đó, việc giải quyết vấn đề bắt cóc có liên quan trực tiếp đến tham vọng sửa đổi hiến pháp hòa bình của ông Abe.

Tuy nhiên, giờ đây, chính quyền ông Abe bắt tay vào quá trình đối thoại với Triều Tiên, bất chấp những căng thẳng phát sinh từ hành động khiêu khích gần đây của Bình Nhưỡng. Kết quả là, Nhật-Triều đồng ý nối lại cuộc đối thoại tháng 3-2014, sau khi vòng cuối cùng bị đình chỉ vào cuối năm 2012. Đây là kết quả của chính sách ngoại giao thận trọng của Tokyo liên quan đến hàng loạt các cuộc họp bí mật với các quan chức Bình Nhưỡng kể từ tháng 10-2013.

Đối với Triều Tiên, có hai lý do để chấp nhận tái lập quan hệ với Nhật. Đầu tiên, đó là niềm hy vọng về giảm lệnh trừng phạt kinh tế và dòng vốn viện trợ nhân đạo từ Tokyo để cải thiện nền kinh tế ốm yếu.

Thứ hai, Bình Nhưỡng đang rất quan tâm đến sự mất mát của các trụ sở Chongryon tại Tokyo, vốn phục vụ như vai trò của bán đại sứ quán Triều Tiên ở Nhật Bản và cung cấp nguồn tiền mặt quan trọng về quê nhà. Mạng lưới Chongryom này tại Nhật Bản đã mất ảnh hưởng đáng kể trong 2 thập kỷ qua kể từ khi vướng phải vấn đề tài chính lớn trong những năm 1990 và đang vướng phải những vụ tố tụng tại tòa.

Vẫn chưa rõ liệu lãnh đạo Bình Nhưỡng sẽ phản ứng vụ việc này như thế nào và liệu có ảnh hưởng quan hệ hai nước hay không.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Abe chìa cành ô-liu với chính quyền Kim Jong Un, những thỏa thuận thương mại dường như “giúp” Bình Nhưỡng đáp ứng nhu cầu quan trọng của Tokyo là nối lại cuộc điều tra về vấn đề bắt cóc. Cuộc đàm phán về việc nối lại các chuyến bay giữa hai nước, các dịch vụ phà quốc tế giữa thành phố Wonsan ở Triều Tiên và thành phố Niigata của Nhật Bản cũng dự kiến được nối lại trong tháng 6 tới.

Tóm lại, tất cả điều này sẽ thể hiện rõ “thập kỷ mất mát” trong quan hệ Nhật-Triều đang đi đến hồi kết.

Thanh Văn