Chấm dứt tình trạng tảo hôn để trẻ em gái có cuộc sống tốt hơn

Thứ tư, 26/10/2016 10:16

(Cadn.com.vn) - Chấm dứt tình trạng tảo hôn: Hướng tới một thế giới mà mỗi trẻ em gái đều có thể đạt được ước mơ của mình" là chủ đề chính của hội thảo quốc gia thảo luận về các cơ hội, khoảng trống và thách thức về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam diễn ra ngày 25-10 tại Hà Nội. Hội thảo do Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức. Hiện nay, mặc dù các quốc gia đã có hệ thống luật pháp giúp giải quyến vấn đề tảo hôn nhưng thực tế, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi, nguyên nhân chính là do nghèo đói và bất bình đẳng giới. Giải quyết tình trạng tảo hôn là một giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, quyền con người, góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế-xã hội cho cộng đồng và quốc gia.

Trên toàn thế giới có hơn 700 triệu phụ nữ kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Tảo hôn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sức khỏe của các em gái, làm mất đi các cơ hội và cản trở tương lai của các em, bao gồm nghề nghiệp. Trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18 thường phải bỏ học và có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình. So với phụ nữ sinh con ở độ tuổi trên 20 thì các bà mẹ trẻ em có nhiều nguy cơ tử vong do biến chứng thai sản, quá trình sinh con. Những biến chứng thai sản này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các bà mẹ trẻ em tại các quốc gia đang phát triển.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết tình trạng tảo hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015-2025. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Nam nữ kết hôn khi nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi. Nhưng thực tế ở nhiều địa phương, đặc biệt là những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trẻ em gái vẫn kết hôn trước tuổi 18. Kết quả từ cuộc điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam (MICS) năm 2014 cho thấy tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi kết hôn hoặc sống chung là 10,3% vào năm 2014. Khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Theo số liệu từ hệ thống số liệu hành chính, ở một số địa phương có tỷ lệ tảo hôn hơn 50%. Trong số các khu vực dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 33%, tiếp theo là người Thái 23%...

Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số
vẫn còn xảy ra.

Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn bạc, xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam. Đó là cần tạo môi trường thân thiện cho vị thành niên, thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng tảo hôn và vùng có hôn nhân cận huyết. Song song đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thay đổi nhận thức là vấn đề mấu chốt nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thế hệ trẻ vượt qua tập tục lạc hậu, có lựa chọn đúng đắn về hôn nhân. Để giải quyết tình trạng tảo hôn, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn ở tất cả các cấp. Điều này đòi hỏi tất cả các bộ, ban, ngành ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế cùng hành động.

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế khẳng định sẵn sàng cộng tác cùng Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp các em phát triển được hết tiềm năng của mình. Với sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và quốc gia, cùng với việc trẻ em gái được thực hiện đầy đủ các quyền của mình, các em có thể phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh, có tương lai tốt đẹp hơn.

Ngọc Anh