Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở giai đoạn "vàng"

Thứ bảy, 15/12/2018 12:03

Nhiều vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi” do Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức ngày 14-12 cho thấy tầm quan trọng trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở giai đoạn vàng này.

Trung tâm Onesky Đà Nẵng dành cho con em công nhân KCN Hòa Khánh- Liên Chiểu có tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi.   Ảnh: P.T

Chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi 

Theo bà Lê Thị Bích Thuận- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, chủ trì hội thảo: Giáo dục mầm non (GD MN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện về trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, thể chất của trẻ em. Đặc biệt, sự chăm sóc trẻ thơ toàn diện, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi được xem là giai đoạn vàng trong quá trình phát triển trẻ thơ. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của GDMN. Cũng theo bà Bích Thuận, thời gian qua, lãnh đạo TP luôn quan tâm đến bậc học MN, nhất là trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường MN công lập. Tuy nhiên, số trường MN công lập nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ sau thời gian nghỉ hộ sản (6 tháng) của các phụ huynh (PH) rất lớn. Phần lớn trẻ ở độ tuổi này đều gửi ở các nhóm, lớp trẻ tư nhân. “Đã có một số trường hợp xảy ra tại các nhóm, lớp liên quan tới sự an toàn tính mạng của trẻ, khiến các bậc PH lo lắng, xã hội bức xúc. Trong khi đó, thực tế điều kiện các trường MN công lập không đảm bảo về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện việc thu nhận trẻ ở độ tuổi này. Do đó các trường MN công lập không thực hiện được công tác tuyển sinh trẻ từ 6-18 tháng tuổi theo nhu cầu của PH. Đây là một trong những vấn đề lớn và khó khăn bất cập của giáo dục MN trên địa bàn TP”-bà Thuận trăn trở.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Hà-Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu- cho rằng, có không ít khó khăn trong việc tiếp nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các trường MN công lập. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan liên quan đến công tác tuyển sinh, có hai nguyên nhân khiến các trường MN công lập ngại tổ chức, thu nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi đó là: do quy mô trường lớp công lập để tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi còn hạn chế (chủ yếu thu nhận trẻ từ 18-36 tháng tuổi và ưu tiên cho lớp mẫu giáo); đội ngũ giáo viên đào tạo chính quy để làm nhiệm vụ giữ nhà trẻ còn thiếu. Một thực tế nữa, giữa trình độ đào tạo với thực tiễn chăm sóc giáo dục trẻ ở bậc học MN, đặc biệt trẻ dưới 18 tháng tuổi có sự chênh lệch rất đáng kể...

Với quyết định của Chủ tịch UBND TP phê duyệt đề án đầu tư trang thiết bị- đồ chơi cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường MN công lập giai đoạn 2018-2019, theo bà Bích Thuận, đó chính là tiền đề để các trường MN công lập chuẩn bị các điều kiện thực hiện thí điểm tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. Sau khi đề án này được thực hiện thành công, sẽ nhân rộng việc tiếp nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường MN công lập trên địa bàn toàn TP.  

Những vấn đề cần lưu tâm

Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi, đặc biệt trẻ dưới 18 tháng tuổi, có 3 vấn đề lớn được các đại biểu tập trung nhấn mạnh tại hội thảo: Tiếp cận chăm sóc trẻ thơ toàn diện và các điều kiện đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhà trẻ dưới 36 tháng tuổi. Cơ chế phối hợp liên ngành trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ. Chế độ chính sách nhằm nâng cao năng lực của nhà trường trong việc tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 24 tháng tuổi ở KCN, khu chế xuất, khu đông dân cư.

Theo bà Trần Thị Thúy Hà, công tác giáo dục chỉ một ngành GD-ĐT thôi chưa đủ mà phải là sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, cơ chế phối hợp hết sức quan trọng, góp phần quyết định đến việc tốt hay không tốt trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi. Theo đó, bà Thúy Hà đưa ra 3 nhóm giải pháp trong cơ chế phối hợp. Cụ thể, phải làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo quận, lãnh đạo các phường. Giải pháp quan trọng cũng là nhiệm vụ chính của các phòng GD-ĐT chính là công tác quản lý, chỉ đạo đối với các trường MN công lập, tư thục và các nhóm trẻ gia đình. Giải pháp thứ ba, kiểm tra, đánh giá. “Quản lý mà không kiểm tra, đánh giá thì coi như buông lỏng”- bà Hà nói thêm. Và điều quan trọng hơn cả vẫn là công tác phối hợp giữa nhà trường với PH để cùng có phương pháp giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, nhất là chia sẻ được chế độ ăn hàng ngày cho trẻ ở độ tuổi này. Bà Thúy Hà cũng kiến nghị các trường đào tạo ngành sư phạm, đối với bậc học MN nên tăng thời lượng thực hành, tăng thời lượng về nội dung chương trình dạy chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi. Đặc biệt, Sở cần đặt hàng với các trường đào tạo sư phạm.“Muốn thực hiện tốt việc thu nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi, đặt biệt là dưới 18 tháng tuổi, Sở cần đặt hàng riêng việc đào tạo GV chăm sóc ở độ tuổi này. Dạy như hiện nay thì các cô chỉ giỏi về mặt lý thuyết, còn khi thực tế thì vụng lắm”- bà Thúy Hà phát biểu.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm đó là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho bếp ăn bán trú tại các trường MN trên địa bàn TP. Theo BS Đặng Ngọc Hùng- Ban Quản lý ATTP TP- đây là vấn đề  đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc trẻ ở bậc học này, đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe tốt để vui chơi, học tập, phát triển toàn diện. Ngoài các kiến thức liên quan đến điều kiện đảm bảo VSATTP, BS Hùng đặt biệt nhấn mạnh đến một số kiến thức mà nhiều khi các nhà chế biến giỏi biết nhưng không tuân thủ. Cụ thể, trong quá trình sơ chế, chế biến thức ăn phải đảm bảo theo một chiều để không nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bếp ăn phải được bố trí đảm bảo đúng tiêu chuẩn này. Đặc biệt, người trực tiếp chế biến thức ăn ngoài kiến thức về chế độ dinh dưỡng, phải được tập huấn kỹ về kiến thức ATTP, khi chế biến thức ăn không được mắc các truyền nhiễm. Vấn đề nguồn gốc và lưu mẫu thực phẩm ở nơi đảm bảo nhiệt độ cũng được BS Hùng lưu tâm.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở độ tuổi MN tốt sẽ góp phần quan trọng đến sự phát triển sau này của trẻ, như Bác Hồ từng nói: “Giáo dục MN tốt sẽ mở đầu cho nền tảng giáo dục tốt”.

P.THỦY