Chàng giảng viên luật và thương hiệu "chả cá Lý Sơn"!

Thứ bảy, 26/11/2016 12:31

(Cadn.com.vn) - Đang trò chuyện với tôi trong quán cà-phê gần Trường ĐH Duy Tân (trụ sở đường Quang Trung, Đà Nẵng), cô bạn là giảng viên của trường chợt giơ tay vẫy người thanh niên đang giao cá cho chủ quán:"Phụng ơi! Bữa nào có cá ngon cho chị 1kg nghe!". Người thanh niên có gương mặt thư sinh, quay lại, nhoẻn miệng cười tươi: "Dạ chị! 3 bữa nữa có cá từ Lý Sơn gửi ra, em lấy cho chị kg cá mó ngon hết sẩy nghe!", rồi quầy quả quay xe đi... Cô bạn giới thiệu: "Em ấy là Nguyễn Văn Phụng (1990), quê Lý Sơn (Quảng Ngãi), giảng viên khoa Luật trường em đó. Gần 2 tháng nay, ngoài giờ giảng dạy trên lớp, em ấy đi bỏ cá, chả cá và các loại hải sản khác ở Lý Sơn cho khách hàng. Tính tình rất dễ thương, dạy SV rất thích!"...

Sau lần gặp tình cờ ấy, tôi nhờ cô bạn thuyết phục để được trò chuyện với anh chàng giảng viên trẻ vừa đi dạy vừa đi... bán cá, với tôi là đầy ấn tượng... Phụng kể, em là con thứ 2 trong gia đình có ba anh em. Anh Hai của Phụng đi biển, em gái út đang học CĐ ở Đà Nẵng. Nhà nghèo nhưng từ bé, Phụng đã mơ ước trở thành luật sư nên quyết tâm học để thi đỗ đại học. Ra trường, Phụng xin vào làm tại một công ty Luật ở Đà Nẵng. Sau đó, khi ĐH Duy Tân tuyển giảng viên ngành Luật, Phụng đăng ký dự thi và trúng tuyển. Từ đó anh vừa đi dạy, vừa tiếp tục học cao học, tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ Luật sư, chuyên ngành Luật kinh tế... Kinh nghiệm thực tế từ 9 tháng đi làm tại công ty Luật đã giúp anh rất nhiều trong những giờ lên lớp truyền đạt tốt kiến thức về luật đến SV. Ngoài giờ giảng trên giảng đường, khi SV nào muốn tham dự các phiên tòa là Phụng lại đăng ký khoa để đưa các em đi...

Giảng viên Nguyễn Văn Phụng trên giảng đường... và Phụng "hot boy chả cá Lý Sơn". 

Phụng tâm sự, sau sự cố Formosa ở Hà Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của ngư dân một số tỉnh miền Trung, sự nghi ngại của nhiều người khi ăn cá, anh chợt nghĩ, hải sản Lý Sơn quê mình rất tươi ngon, tại sao không quảng bá, tiếp thị  đến với người tiêu dùng Đà Nẵng? 3 tháng trước Phụng lập gia đình với người bạn gái quê Quảng Trị cùng lớp SV ở Huế. Xa quê, cuộc sống mới còn khó khăn, chưa có nhà riêng nên vợ chồng Phụng phải ở nhà thuê cùng với 2 cô em gái hai bên...Được vợ ủng hộ, Phụng bàn với anh trai cùng một số người bà con ở quê làm nghề biển chuyển cá ra Đà Nẵng để Phụng giao hàng tận nhà cho khách. Ban đầu Phụng chỉ bán cho bạn bè, đồng nghiệp, rồi nhờ họ tiếp thị hải sản Lý Sơn đến người khác. Trung bình mỗi tuần 3-4 lượt, theo số lượng khách đặt hàng, anh trai Phụng lại gửi hải sản ra Đà Nẵng. Hải sản sẽ được làm sạch, đóng gói rồi Phụng hoặc em gái đem đến giao tận nhà cho khách hàng... Tôi tò mò: "Việc đi giao, bán cá tận tay cho khách hàng có làm mất đi hình ảnh của một giảng viên trong mắt SV không? Có ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy không?, Phụng cười chân chất: "Em có làm gì đâu mà sợ mất đi hình ảnh của mình trong mắt SV? Trên bục giảng, em luôn  cố gắng dạy tốt, còn ngoài giờ, em tranh thủ làm cá, cùng em gái giao hàng từ 16 đến 19 giờ là xong. Thời gian còn lại thì tập trung vào việc soạn bài giảng, đọc tư liệu... Em nghĩ, luật từ cuộc sống mà ra. Em lại giảng dạy Luật kinh tế nên việc đi giao, bán hàng này giúp em có thêm nhiều kiến thức thực tế. Mình lao động chính đáng, sao phải xấu hổ chứ? Ngược lại, em còn thấy tự hào vì sản phẩm mình đem đến cho người tiêu dùng là hải sản sạch của vùng biển đảo Lý Sơn, có thể hoàn toàn yên tâm".

Nói rồi, Phụng giới thiệu về 2 loại cá đặc sản ở Lý Sơn đó là cá tà ma và cá mó. "Gọi là cá tà ma, vì nó lanh lắm, nằm ven bờ biển quê em, thịt thơm, rất ngon". Kể về quê hương Lý Sơn, mắt Phụng sáng hẳn lên... Khi biết Phụng kiêm luôn nghề giao bán cá (anh cũng từng chiên chả cá do mình làm ra cho SV ăn), một số SV đã đặt cho người giảng viên trẻ này biệt danh "hot boy chả cá". Phụng rất vui vì điều này: "Không sao! Em thấy cũng hay hay!".  Không chỉ đơn thuần vì cuộc mưu sinh, khát vọng muốn mở một cửa hàng nho nhỏ mang tên hải sản Lý Sơn trên đất Đà Nẵng mà Phụng thổ lộ với tôi sẽ cố gắng thực hiện trong tương lai, phải chăng là tấm lòng của một người con biển đảo muốn làm một điều gì đó cho quê hương...

P.Thủy