Chàng họa sĩ tái sinh cho phế liệu

Thứ tư, 31/01/2024 16:24
Trên khu đất 1.000m2 của người bạn thân thiết cho mượn ở thôn Bến Trễ thuộc xã Cẩm Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) họa sĩ Nguyễn Quốc Dân (1984) đã gầy dựng lên một không gian tái sinh đặc biệt. Nơi đó, những phế liệu và rác được anh gom nhặt về, trao cho nó những hình hài mới, trở thành những tác phẩm nghệ thuật, vật dụng hữu ích.
Một trong những không gian "trưng bày" của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân.
Nhiều du khách nước ngoài từ hiếu kỳ đã thật sự thích thú với "trường phái" của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân.

Những "thứ bỏ đi"… sống lại

Không gian sáng tác và triển lãm những tác phẩm từ phế liệu này được anh thiết kế, bồi đắp dần từ 3 năm trước, cũng thật khó nói khi nào hoàn thiện. Tuy vậy, cảm nhận của nhiều người khi bước vào không gian ấy như bước vào một lâu đài cổ tích, nơi những đồ vật bỏ đi, vất đâu đó trên thế gian được đưa về hồi sinh một vòng đời mới. Mỗi đồ vật tái sinh mang trong mình một câu chuyện, một thông điệp, chúng được sắp xếp, nương tựa vào nhau trong không gian kiến trúc vô cùng độc đáo.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân kể, không gian kiến trúc tái sinh của anh được tạo nên từ hàng trăm mảnh tôn cũ còn giữ nguyên lớp hoen rỉ được anh lặn lội các vựa phế liệu gom góp thời gian dài. Hệ thống cửa tròn được anh tạo hình mặt trăng - mặt trời. Ở giữa nhà là trụ tôn cũ hình tròn nơi thu nhận mưa nắng, ánh sáng, giao hòa trời-đất. Trong khuôn viên khu đất, những thân cây, giếng nước, ngôi mộ hay ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp, vẫn được anh giữ lại tạo không gian ký ức, hoài niệm. Chỉ về phía chiếc lồng đèn màu vàng khổng lồ treo lơ lửng, anh kể nó được tạo nên từ chiếc thùng phuy rỗng, hay chiếc "ghế thiên thần" này cũng vậy. Còn nữa, chiếc mũ độc đáo được cắt xẻ khéo léo từ chiếc mâm nhôm, những mặt nạ bằng gỗ, nhà vệ sinh bằng bồn nước phế liệu, chiếc máy tuốt lúa hư hỏng tạo hình thành tác phẩm nghệ thuật… Trong không gian ấy, gần như mọi đồ dùng nội thất đều tái sinh từ phế liệu. Thậm chí, ngay cả bộ đồ và những thứ anh mang trên người cũng làm từ phế liệu. Rồi chiếc túi đeo bên hông cũng chẳng "đụng hàng" khi nó được tái chế từ mảnh lưới đánh cá và vỏ chai nhựa.

Với họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, việc sáng tác từ phế liệu là cái duyên, cũng là nguồn cảm hứng bất tận. Chàng họa sĩ kể, ngay từ nhỏ anh cùng mẹ đã lang thang ở những bãi rác lượm lặt phế liệu để mưu sinh, sống qua ngày, vì thế phế liệu nó đã "ám" vào người. Bây giờ, hai mẹ con vẫn rong ruổi khắp đường làng ngõ xóm, đi dọc bãi biển, các vựa phế liệu để tìm "chất liệu sáng tác". Anh kể, thời gian mình lặn lội ở các vựa phế liệu nhiều hơn ở nhà, nhiều người thấy mình quen mặt hễ có phế liệu lại gọi cho, có người còn chở cả xe ma-nơ-canh hư hỏng đến cho, không ít người buôn phế liệu gõ cửa "bỏ mối". "Lúc đầu khi mới trở về đây, thấy tui cứ lụi cụi đi gom, lượm phế liệu đem về cưa xẻ, đục đẽo, hàng xóm thắc mắc, chẳng biết tui có "khùng" không, học đại học mỹ thuật ra không đi vẽ kiếm tiền lại cứ quẩn quanh với phế liệu cả ngày làm chi?", Dân cười.

Một trong những không gian "trưng bày" của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân.

Gom trải nghiệm làm… giàu!

Có một tuổi thơ lênh đênh nhiều "giông bão" nhưng họa sĩ Nguyễn Quốc Dân không coi đó là bất hạnh, ngược lại như trải nghiệm, làm giàu có thêm cho tâm hồn, hun đúc cảm hứng sáng tạo. Tiếp xúc với anh, điều dễ cảm nhận hơn cả là tinh thần lạc quan, luôn tỏa ra năng lượng tích cực. Dân kể, ngay từ khi 3 tuổi anh đã theo mẹ lang thang ở Phan Thiết để rửa chén thuê, ăn bờ, ngủ bụi mà lớn lên. Mẹ anh, người phụ nữ đơn thân trong đầu gim một mảnh bom do di chứng chiến tranh, đã dắt anh "tha phương cầu thực". Tuổi thơ của Dân đã trải đủ nghề mưu sinh từ nhặt rác, bán báo, rửa chén, chùi bồn cầu, lúc túng quá thì ăn xin... Khi Dân lên 10 tuổi, sức khỏe người mẹ suy yếu, hai mẹ con trở về quê hương Hội An, mẹ thì vào sống trong trại xã hội còn Dân gửi vào trại mồ côi.

Những ngày tháng ở trại mồ côi Dân đã bộc lộ đam mê và năng khiếu với mỹ thuật. Dân tự tích góp, bồi đắp đam mê của mình lớn dần theo năm tháng, cho đến lúc khăn gói vào TPHCM thi đại học Mỹ thuật. Anh kể, thời gian theo học mỹ thuật bản thân phải lăn lóc làm đủ việc chân tay để kiếm sống. Ngay cả khi đã tốt nghiệp, cuộc sống mưu sinh nơi "đất khách" cũng không dễ dàng. Dân mở lớp luyện thi mỹ thuật, nhưng các học trò cũng khó khăn, chúng cũng như mình lúc trước, thương quá, chẳng lấy tiền. Dân lại chuyển sang tư vấn nhận diện thiết kế thương hiệu hay tham gia các dự án nghệ thuật… Công việc này giúp anh có cuộc sống ổn định, thu nhập tốt hơn. Vậy nhưng, vượt qua vòng xoáy cơm áo gạo tiền, năm 2019 anh quyết định rời bỏ để trở về quê hương. Trong anh, mảnh đất Hội An có nhiều điều độc đáo, sự trở về để góp một nét độc đáo cho quê hương, bắt đầu từ phế liệu, là động lực lớn nhất thôi thúc trong anh.

Là họa sĩ định hình phong cách lập thể, đã có 4 triển lãm gây ấn tượng trong giới, vì thế khi về quê để khởi tạo một không gian tái sinh cho những thứ bỏ đi Dân không gặp nhiều trở ngại. Trong xưởng tái sinh của mình, không chỉ là nơi "thổi hồn" cho phế liệu mà còn là nơi anh dạy, luyện thi mỹ thuật miễn phí cho các bạn trẻ ở Hội An. Cũng trong không gian ấy, với cánh cửa tôn cũ kỹ, khách cũng có thể tự do tham quan, trải nghiệm. Nơi anh muốn lan tỏa thông điệp môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về tái chế phế liệu.

HẢI QUỲNH