Chàng trai 9X khởi nghiệp từ dâu tây
Chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm
Tuy không phải là người tiên phong đưa dâu tây từ xứ lạnh về trồng ở vùng đất có khí hậu vốn khá khắc nghiệt này, nhưng Sơn là người đầu tiên đưa loại cây “quý tộc” này ra trồng ở bãi bồi ven sông Lam. Đây được xem là quyết định táo bạo của chàng trai 9X, dám nghĩ, dám làm.
Sở dĩ Sơn có được những thành công bước đầu là do anh từng có thời gian thực tập tại Israel. Năm 2013, khi đang là sinh viên ngành Sinh học Trường ĐH Vinh, Sơn đã nỗ lực đạt kết quả cao và giành được một suất thực tập ở Israel. Sau một năm học tập ở đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới, Sơn đã trang bị cho mình nhiều kiến thức mới mẻ, nhiều kinh nghiệm quý giá. Cũng từ đây, anh đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp, dù rằng phải mất tới 6 năm sau mới có thể thực hiện được.
Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “Điều kiện khí hậu ở Israel khá tương đồng với Nghệ An. Ở đó, họ đã trồng được nhiều nông sản có giá trị, trong đó có dâu tây. Từ đó, tôi hình thành ý tưởng sẽ mang cây dâu tây này về trồng ở vùng đất quê mình. Dâu tây là loại cây có giá trị kinh tế lớn và không quá khó trong khâu chăm sóc”.
Sau khi hoàn thành chương trình học ở Israel, Sơn từ chối công việc trái ngành với mức lương 10 triệu đồng/tháng để đầu quân cho một tập đoàn nông nghiệp mới mức lương chỉ gần 4 triệu đồng. Sơn nghĩ, bản thân mình còn trẻ, muốn phát triển lâu dài trong lĩnh vực này thì phải cọ xát để tích lũy kinh nghiệm. Sau thời gian vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, chàng trai 9X này tranh thủ học lên Thạc sỹ chuyên ngành khoa học cây trồng để tính đường đi xa hơn cho mình.
Năm 2019, Sơn quyết định khởi nghiệp. Với số vốn ít ỏi mình có được, chàng trai trẻ đã vay mượn thêm để đủ 500 triệu đồng, thuê bãi bồi rộng 2.500m2 ven sông Lam để làm trang trại, xây dựng hệ thống nhà màng. Nhờ nắm vững kiến thức cộng với đức tính kiên trì, dám nghĩ, dám làm, Sơn thử nghiệm thành công các loại cây như dưa lưới, ớt chuông, cà chua, súp lơ baby... Cuối năm 2019, Sơn quyết định trồng dâu tây.
Bước đầu mang lại hiệu quả
“Ban đầu, 400 cây dâu tây được trồng trong nhà màng, phát triển nhanh, lá xanh mơn mởn nhưng vào thời kỳ ra hoa, cây bắt đầu nhiễm nấm, thối gốc, cành... Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi phát hiện môi trường nhà màng có độ ẩm cao, nấm dễ phát triển. Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu…, tôi đưa ra quyết định mạo hiểm đưa dâu tây ra bãi bồi ven sông trồng. Đặc điểm của bãi bồi ven sông là nguy cơ ập úng cao nên khi làm đất cần đánh luống cao để chống ngập nước. Ở môi trường bên ngoài cây dâu tây có vẻ thích ứng tốt hơn, đỡ nhiễm nấm nhưng lại nhiều sâu. Nhưng so với nấm thì sâu dễ xử lý hơn bằng các chế phẩm sinh học, lại an toàn cho người tiêu dùng” – Sơn chia sẻ về quyết định táo bạo của mình…
Nhìn những cây dâu tây lá xanh mơn mởn đang cho thu hoạch những quả chín óng ánh, mọng đỏ trông thật là bắt mắt. Theo ông chủ vườn dâu tây, trung bình mỗi cây dự kiến cho thu hoạch 10 quả, trọng lượng 200g. Với giá bán tại vườn 30.000đồng/100g, mỗi cây dâu tây sẽ cho thu hoạch 60.000 đồng. Mỗi ngày vườn dâu tây sẽ cho thu hoạch 9-10kg, có giá trị gần 3 triệu đồng. Chủ vườn cho hay, đang thử nghiệm loại giống mới, mỗi quả có thể đạt được trọng lượng 40g thì giá trị trên mỗi quả dâu còn cao hơn.
Với điều kiện khí hậu ở Nghệ An, việc canh tác một loại cây trên đất bãi sẽ khó khả thi. Vì thế, Sơn áp dụng nguyên tắc mùa nào cây nấy, xen canh, đa dạng hàng hóa phục vụ thị trường. Hiện chàng trai trẻ này đã có kế hoạch trồng thử nghiệm cây nho. "Dưới tán nho có thể tận dụng trồng dâu tây, bởi thời vụ của chúng khác nhau. Tuy nhiên, để trồng cây ăn quả lâu năm trên bãi bồi sẽ phải tính toán, quy hoạch hệ thống thoát nước, tưới tiêu. Tôi đang đề xuất với xã để được thuê thêm đất mở rộng dự án, hướng tới mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch canh nông", Sơn cho hay.
Cũng qua Sơn, được biết, anh đang tích cực chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng. Anh hiện là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh với 20 thành viên, chủ yếu là nông dân xã Hưng Thành. Bình quân thu nhập của hợp tác xã này đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm.
Dương Hóa