Chàng trai Thủ đô tìm hướng đi mới cho gốm xứ Quảng

Thứ ba, 08/03/2016 09:05

(Cadn.com.vn) - Làng gốm Thanh Hà (khối phố 5, P. Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam) tồn tại đã hơn 400 năm, góp phần tạo nên bản sắc đô thị cổ Hội An. Đã xa cái thời nhà nhà làm gốm, người người làm gốm, những sản phẩm làm từ đất dường như lạc lõng trước tráng lệ tiện nghi hiện đại. Nhưng, bằng việc cách tân sản phẩm truyền thống, sáng tạo ra sản phẩm mới, anh Đỗ Ngọc Thi Ca (1982, quê Hà Nội) quyết tâm gầy dựng lại thương hiệu gốm Thanh Hà trên mảnh đất không phải nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Đỗ Ngọc Thi Ca.

Đỗ Ngọc Thi Ca là người Hà Nội gốc. Thời còn sinh viên ở Hà Nội, anh đã đam mê gốm. Hơn 4 năm sinh viên, anh tới làng gốm Bát Tràng để nghiên cứu và đúc kết cho mình kinh nghiệm trong việc tạo ra chất men Bát Tràng. Chừng 10 năm trước, anh đến Hội An. "Lúc này, gốm Thanh Hà mai một lắm rồi, giá trị kinh tế của sản phẩm rất thấp. Tôi băn khoăn rồi mai đây, ai sẽ kế thừa nét văn hóa 400 năm này." - Đỗ Ngọc Thi Ca nói.

Nên, sau khi nghiên cứu kỹ về gốm Thanh Hà, tìm ra kỹ thuật và mẫu mã mới cho những sản phẩm tương lai của mình, năm 2008, anh thành lập Công ty Cổ phần Gốm sứ Mỹ nghệ Sông Hoài (tại P. Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam). Lúc này, chính quyền Hội An đang chủ trương khôi phục lại nghề truyền thống, nên đã cho anh thuê đất 50 năm với giá ưu đãi, mỗi năm tham gia miễn phí 3 hội chợ, hỗ trợ chi phí quảng bá sản phẩm... Anh dần đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường, để đến nay, với hơn 20 nhân công, tiền lương hơn 3 triệu đồng/tháng, công ty tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong vùng, và tạo nên một diện mạo mới cho gốm Thanh Hà.

Từ đất, làm ra một sản phẩm bằng đất, chôn dưới đất trăm năm không rã, là cả một công trình tỉ mẩn của tay và đất. Nhưng bây giờ, nếu đồ gỗ, đá mỹ nghệ bán rất được giá thì với gốm, đất đã bèo, làm công phu, nhưng một cái vại bán cũng chỉ mấy chục ngàn. Những nghệ nhân Thanh Hà vẫn quanh đi quẩn lại với những sản phẩm gốm xưa cũ. Trong khi đó, đồ gốm nặng, cồng kềnh, không thể theo chân khách du lịch lên máy bay được. Hội An cũng làm hết cách để duy trì nghề gốm; 20% giá trị tấm vé tham quan làng gốm được Hội An trích lại để duy trì nghề, UBND tỉnh cũng đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho 3 người trong làng, nhưng sự điêu tàn của gốm diễn ra như một hiển nhiên.

"Hội An là một đô thị du lịch, những villa, resort mọc lên rất nhiều. Nhưng khách đến Hội An để tìm hiểu về văn hóa xứ sở, chứ không phải để trải nghiệm những tiện nghi văn minh. Nên tôi nghĩ, tại sao không gắn kết những sản phẩm làm từ đất là gốm, với những tiện nghi hiện đại tưởng chừng không liên quan là villa hay resort." - Đỗ Ngọc Thi Ca nói.

Công nhân làm gốm ở xưởng.

Từ đấy, Đỗ Ngọc Thi Ca quyết định cách tân những sản phẩm cũ, sáng tạo nên những sản phẩm mới. Công ty của anh giờ sản xuất gốm với đa chủng loại. Trang trí mỹ thuật thì có lu, vại, tranh gốm, đèn gốm... Những cái lu, cái vại bây giờ có thêm chức năng mới là tạo không gian hoài cổ cho những villa, resort; trên những bức tường phẳng lì màu vôi, những bức tranh gốm mờ ảo bên cạnh đèn gốm, gợi cho du khách một hoài niệm về những cái gì xưa cũ.

Anh còn sản xuất gốm xây dựng như gạch ốp lát, mosiac... cả đến gốm gia dụng như ấm, chén... Ở những sản phẩm này, anh phủ lên chất men Bát Tràng mà mình học từ những ngày còn là sinh viên, làm lung linh hơn những ấm, những chén... khiến chúng sang trọng hơn khi xếp chung với những vật dụng hiện đại. Để sản xuất ra những sản phẩm của mình, anh đầu tư lò nung gas, nhiệt độ nung lớn hơn nhiều so với lò nung thủ công, cho ra sản phẩm bền hơn. Nhưng những công đoạn tạo hình vẫn tuân thủ quy trình truyền thống. Bàn xoay được vận hành bằng sức người, chứ không chạy bằng mô tơ như ở Bát Tràng. Cũng qua đôi tay những người thợ, mà những công đoạn nhào, xén đất, chuốt gốm... được thực hiện.

Khi được hỏi việc cách tân sản phẩm như vậy, có lưu giữ được bản sắc gốm Thanh Hà không, bởi Thanh Hà có hai sản phẩm chính là gốm đỏ và gốm sành, gốm đỏ nhiều người làm được, nhưng gốm sành dần thất truyền, anh nói: "Trong cam kết nhận hỗ trợ từ thành phố, tôi hứa sẽ phục hưng sản phẩm từ sành. Bản sắc Thanh Hà là gốm sành, có nguy cơ thất truyền khi 3 người biết làm sành còn lại đều đã hơn 80 tuổi; tôi nghĩ, sau này gốm có được cách tân đến đâu, thì cũng cần lưu giữ lại cái nghề làm sành dù cũ kỹ đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Hội An. Nhưng trước hết, phải làm cho gốm sống lại đã".

Bây giờ, anh đã có 3 showroom trưng bày gốm ở Hội An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm gốm của công ty với màu son đỏ đặc trưng của xứ Quảng giờ đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Anh đã kết hôn với một người con gái xứ Quảng. Và những sản phẩm từ gốm của mình, là một món quà của anh dành tặng cho vợ, cho người Hội An, cho xứ Quảng.

Mai Thành Dũng