“Chảo lửa” căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ bảy, 18/08/2018 11:29

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong tình trạng xấu tệ hại. Điều đó là hiển nhiên từ tuần trước, khi đồng lira chứng kiến sự sụt giảm về giá trị với tốc độ chóng mặt. Nó đã giảm giá đến 40% so với đồng USD cho đến nay, trong đó phần lớn sự sụt giảm diễn ra kể từ đầu tháng 8. Trước “cuộc biểu tình” khiêm tốn vào đầu tuần này, một đồng USD mua được khoảng 7,2 đồng lira - một kỷ lục mới nghiệt ngã đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Donald Trump nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong chuyến thăm trụ sở mới của NATO vào tháng trước tại Brussels, Bỉ.   Ảnh: AP

Giữa thời điểm khủng hoảng này, khi người ta có thể mong đợi dựa vào những người bạn lâu năm của họ, Thổ Nhĩ Kỳ thay vào đó đã nhận ra sự cay đắng trong một cuộc chiến ngoại giao leo thang với một đồng minh 66 năm: Mỹ.

Đầu tháng này, hai quốc gia đồng minh NATO thân cận “lao như con thiêu thân” vào những tranh cãi gay gắt về các lệnh trừng phạt và đe dọa trả thù. Không lâu sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, chính quyền của ông đã tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm Thổ Nhĩ Kỳ, một quyết định  “giúp” đồng lira tiếp tục rơi tự do hôm 16-8.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng không chịu ngồi yên, đáp trả bằng cáo buộc Mỹ “đâm sau lưng” khi áp các lệnh trừng phạt khiến đồng nội tệ của họ mất giá mạnh. “Chúng ta cùng là thành viên NATO, các ông (Mỹ) đang cố đâm sau lưng chính đối tác chiến lược của mình. Điều này có thể chấp nhận được không?”, ông Erdogan đưa ra câu hỏi trong bài phát biểu ở Ankara. Nhưng bất chấp sức ép của Mỹ, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, ông không có ý định nhượng bộ dù căng thẳng được coi là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa hai nước đang leo thang.

Tuy nhiên, điều không rõ ràng là mọi thứ đã trở nên tồi tệ như thế nào - và chính xác là tại sao, và cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng như thế nào? Tất cả đang cần một lời giải thích.

Ai đẩy Mỹ - Thổ vào “chảo lửa”?

Mỹ-Thổ đã tồn tại nhiều mâu thuẫn trong nhiều năm qua, nhất là về cuộc chiến tranh Iraq, khi hai quốc gia tranh cãi về mức độ tham chiến của Ankara.

Những căng thẳng đó bùng lên một lần nữa trong vấn đề Syria. Trong cuộc chiến tiêu diệt nhóm cực đoan IS ở Syria, Mỹ ủng hộ các chiến binh người Kurd, được gọi là YPG, chống lại IS. Động thái này khiến Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận bởi Ankara vẫn xem những chiến binh YPG như những kẻ khủng bố kết nối với một tổ chức khác được gọi là PKK, nhóm ly khai người Kurd hoạt động trong vùng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.  Mặc dù Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) xem PKK là nhóm khủng bố, nhưng họ không cùng quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc liệt kê YPG là nhóm khủng bố.

Nhưng nguồn gốc của vụ tranh chấp gần đây nhất, và rõ ràng là cay đắng nhất, với hai đồng minh thân cận là vụ Ankara bắt giam linh mục người Mỹ Andrew Brunson với cáo buộc liên quan vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.  Linh mục Brunson, đã sống hơn 20 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt trong cuộc trấn áp quy mô lớn hậu đảo chính của chính quyền Tổng thống Erdogan. Ông Brunson hiện phải đối mặt với những cáo buộc gián điệp và giúp đỡ các nhóm khủng bố. Và tất nhiên, Washington không vui về điều đó. Chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng thống Mike Pence kêu gọi thả linh mục này ngay lập tức, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố vụ bắt giữ ông Brunson là “bất công và bức hại” và ra lệnh xử phạt hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả.

Ankara tất nhiên cũng không muốn làm căng vụ linh mục Brunson. Nhưng vấn đề là do Ankara nhiều lần cố gắng yêu cầu Mỹ dẫn độ nhà truyền giáo Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo mà ông Erdogan cáo buộc chủ mưu lật đổ chính quyền của ông, song bất thành. Rắc rối cho ông Erdogan là giáo sĩ Gulen đã sống ở bang Pennsylvania, Mỹ kể từ cuối những năm 1990, và Washington kiên quyết từ chối những nỗ lực đưa nhân vật này trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có lúc liên kết số phận của cả hai, thậm chí có thể đã ngụ ý trao đổi hai người này. Nhưng bây giờ, cả hai bên không sẵn sàng nhúc nhích để rồi dẫn đến bế tắc cả ở mặt trận ngoại giao và kinh tế.

Linh mục người Mỹ Andrew Brunson ngồi trong xe giữa hai nhân viên cảnh sát mặc thường phục của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 7.   Ảnh: AFP

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và toàn cầu ảnh hưởng như thế nào?

Nền kinh tế tổng thể của Thổ Nhĩ Kỳ không bị ảnh hưởng nhiều - ít nhất là cho đến bây giờ - trong một kịch bản rơi tự do hoặc sụp đổ hoàn toàn. Trên thực tế, nó tăng từ 3-4%/năm, và tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia đang lơ lửng quanh mức bình thường.

Nhưng trong bối cảnh bùng nổ xây dựng, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã vay rất nhiều tiền để xây dựng kiến trúc hạ tầng. Bây giờ, Ankara nợ rất nhiều tiền, và các chủ nợ đang lo lắng. Một phần, các chủ nợ lo ngại về sự khăng khăng không chính thống của Tổng thống Erdogan rằng, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ không tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất là phản ứng bình thường để khắc phục giá trị suy yếu của đồng tiền - nhưng ông Erdogan đã tuyên bố sẽ không làm như vậy, và đó là một lời thề mà ông đang duy trì ngay cả khi đồng lira đang gặp khốn khó nhất.

Đó không chỉ là vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi niềm tin nhằm vào Tổng thống Erdogan và đồng lira giảm, các ngân hàng Châu Âu cho vay tiền ở Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu lo lắng về việc liệu họ có thể thu hồi các khoản vay hay không. Và các nhà phân tích nói rằng, vấn đề tiền tệ này, cùng với lãi suất tăng ở Mỹ, đang khiến các nhà đầu tư lo sợ rút khỏi các nền kinh tế mới nổi khác.

Quan hệ Mỹ-Thổ là vấn đề lớn

Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đơn thuần là đồng minh NATO của Mỹ. Nước này còn có quân đội lớn thứ hai trong liên minh 29 thành viên, và là một đồng minh quyền lực và rất mạnh trong một khu vực xung đột dữ dội và phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Quốc gia này giáp với cả Iraq và Syria, nơi Mỹ vẫn đang triển khai hàng ngàn binh sĩ trong cuộc chiến chống lại IS. Những binh sĩ này cần trang bị hỗ trợ trên không, trong khi cả hai căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đều có vị trí thuận lợi. Thổ Nhĩ Kỳ cũng giáp Iran, nơi Tổng thống Trump đang tìm cách áp dụng áp lực ngoại giao để kìm chặt chương trình hạt nhân của Tehran. Đầu năm nay, Mỹ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân đa phương đã đàm phán với Iran và 5 quốc gia khác, và tuần trước đã khôi phục một số biện pháp trừng phạt, vốn đã được dỡ bỏ từ khi ký thỏa thuận. Thổ Nhĩ Kỳ còn thuộc vùng biển Đen, nơi mà các lực lượng Nga hoạt động.

Ngoài những cân nhắc về địa chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ còn là đối tác chính trong cuộc chiến chống IS của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi ở hiện tại cho hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria, những người có thể đến Châu Âu hoặc Mỹ. Và đó chỉ là hiện tại. Mối quan hệ Mỹ- Thổ bắt đầu từ nhiều thập kỷ qua, và là đối tác thân cận trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ lúc đó triển khai tên lửa hạt nhân đến Thổ Nhĩ Kỳ để gây áp lực lên Liên Xô – và trên thực tế, cam kết loại bỏ những tên lửa này được chứng minh là một “con chip” thương lượng quan trọng cho Mỹ trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Cuộc khủng hoảng sẽ đi về đâu?

Câu trả lời đó, thật khó để nói chắc chắn. Nhưng cuộc xung đột ngoại giao đang bắt đầu cũng đủ cho thấy một số ảnh hưởng hữu hình trong các thỏa thuận quân sự.

Có lẽ không nơi nào có thể thấy rõ ảnh hưởng của cuộc chiến này bằng trên chiếc F-35, một chiến đấu cơ hiện đại do một hiệp hội 9 quốc gia, trong đó có Mỹ và Thổ  Nhĩ Kỳ, sản xuất. Ankara đặt mua hơn 100 chiếc, nhưng Quốc hội Mỹ đã ra lệnh cấm bán chiến đấu cơ này cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp trả, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã mua một hệ thống phòng không của Nga, vốn được thiết kế để bắn hạ những chiến đấu cơ này.

Cuối cùng, Thượng viện Mỹ thay đổi và Thổ Nhĩ Kỳ đã có 2 chiếc F-35 đầu tiên hồi đầu năm nay, nhưng với một lời cảnh báo: các phi công Thổ Nhĩ Kỳ phải tập luyện với Mỹ tại căn cứ không quân Luke ở Arizona trong ít nhất là vào năm tới. Nhưng vấn đề chưa dừng lại ở đó. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, trong đó bao gồm điều khoản cấm cung cấp chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Và rồi, tương lai cuộc khủng hoảng vẫn là câu hỏi thật khó trả lời.

KHẢ ANH