Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao

Thứ hai, 12/08/2019 12:55

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã thành công trong việc tập trung nguồn lực, tạo sự đồng thuận toàn xã hội, tuân thủ và thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" thực hiện công khai hóa và phát huy vai trò giám sát của dân. Qua đó, vai trò của nhân dân được phát huy, chính quyền các cấp vận động nhân dân tự nguyện hiến hơn 227.500m2 đất, 86.762 ngày công để đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông nông thôn; nhờ vậy 100% đường trục liên xã, liên thôn, 100% đường làng ngõ, xóm được đầu tư nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; hơn 90% đường trục chính nội đồng được cứng hóa... với giá trị nhân dân đóng góp hơn 400 tỷ đồng (chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư). Cùng với tập trung phát huy nội lực, huyện đặc biệt coi trọng việc tranh thủ ngoại lực. Thông qua các chương trình ký kết "Chung tay xây dựng NTM" do Ban Dân vận Thành ủy tổ chức, huyện đã vận động hơn 130 lượt tổ chức giúp đỡ với tổng kinh phí 155 tỷ đồng thông qua nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, an sinh xã hội, đảm bảo môi trường…

Kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhiều lão nông thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú) cởi mở bộc bạch, gắn bó hàng chục năm với núi rừng nơi đây, điều làm bà con vui nhất đó là việc xây dựng NTM đã mang lại nhiều đổi thay cho quê hương: Điện, đường, trường, trạm đầy đủ cả, nhà nhà có điện, có nước sạch, kinh tế đang từng ngày phát triển, đời sống bà con được cải thiện rõ rệt. Điều đáng ghi nhận trong phong trào mở đường giao thông là người dân đều tình nguyện hiến đất mà không mảy may toan tính thiệt hơn. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã thấy được ý thức tự nguyện của người dân miền núi trong việc thay đổi diện mạo quê hương như thế nào. Ông Võ Sơn- Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải (Hòa Phú) chia sẻ: "Đất rừng nơi đây chủ yếu là những dãy đồi trọc lam nham lau lách, chuyện làm giàu từ rừng chưa được người dân nghĩ tới. Đến khi chương trình xây dựng NTM triển khai thì kinh tế rừng ở địa phương mới bắt đầu phát triển, chuyện trồng rừng nguyên liệu giấy (keo lai) đem lại thu nhập khá đã dần thức tỉnh người dân. Hòa Hải hiện có hơn 200ha rừng trồng kinh tế, đa phần các hộ dân đều gắn bó với kinh tế rừng, dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đặc biệt là nghề ươm giống cây tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm; thậm chí có nhiều hộ còn thu nhập gấp 3 lần như thế".

Còn ở xã Hòa Khương, địa phương tập trung chuyển đổi hơn 60ha đất cây trồng không hiệu quả sang các mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung với 336 hộ dân dàn trải trên địa bàn các thôn. Do có hệ thống cấp nước của hồ Đồng Nghệ, đập Ba-ra An Trạch đi qua nên rất thuận lợi cho việc nuôi các loại cá nước ngọt. Năm 2013, xã thành lập tổ sản xuất, hợp tác tiêu thụ nhằm tập trung những hộ dân nuôi cá, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Liễu (thôn Phú Sơn 1) cho biết, trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng. Vợ chồng ông xoay xở đủ kiểu nhưng cuộc sống vẫn cứ bấp bênh. Với bản tính chịu khó học hỏi, ông nhận thấy mô hình nuôi cá nước ngọt thích hợp với điều kiện gia đình như diện tích ao nuôi nhỏ, ít vốn, dễ chăm sóc và không mất nhiều thời gian. Những nơi không bị nước lũ tràn qua thì có thể nuôi 2 vụ/năm. Trung bình 1 ao nuôi có diện tích khoảng 2 sào thì mỗi vụ xuất bán gần 1 tấn cá các loại với doanh thu từ 45-50 triệu đồng/tấn. Cũng nhờ nuôi cá nước ngọt mà đời sống của nhiều hộ dân khá giả hẳn lên, có tiền xây nhà mới, sắm sửa vật dụng gia đình và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. So với trồng lúa thì việc nuôi cá nước ngọt nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.

Có thể nói, việc xây dựng NTM ở H. Hòa Vang đã mang đến luồng sinh khí mới, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần; thu nhập bình quân đầu người từ 12,24 triệu đồng/năm 2010 lên 43,97 triệu đồng/năm 2018... Bên cạnh đó, một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm đang xuất hiện ngày càng nhiều; với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, họ đang dần "đánh thức" những vùng đất hoang hóa, khô cằn... Quả thật, Hòa Vang hôm nay không còn là một vùng thuần nông. Đô thị hóa và chương trình xây dựng NTM của TP đã tạo nên một Hòa Vang phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. Với các tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2016-2020 mà huyện đang hướng đến đích cuối năm 2019, chắc chắn người dân sẽ được thụ hưởng nhiều tiện ích hơn nữa trong tương lai.

VY HẬU