Châu Á "chịu trận" do biến đổi khí hậu

Thứ tư, 26/07/2017 08:32

Thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, khiến cuộc sống hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển ở Nam Á bị đe dọa nghiêm trọng.

Khorsheeda Khatun cùng với 2 con gái trốn chạy khỏi quê nhà ở Myanmar hồi tháng 1 nhằm thoát khỏi vụ bạo lực mới nhất và sống trong Khu định cư Kutupalang Makeshift ở Bangladesh. Tuy nhiên, 5 tháng sau đó, cơn bão Mora ập đến khiến 500.000 người phải di dời. "Ngôi nhà của tôi bị phá hủy, các tấm ván gỗ và mái nhà bị bão cuốn đi mất", Khatun kể với các nhân viên của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF).

Lũ lụt ở Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc tháng 7-2017. Ảnh: CNN

Vài tuần sau, bên kia dãy Himalaya, ở phía nam Trung Quốc, hơn 12 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì lũ lụt. Riêng tỉnh Jiangxi ở đông nam Trung Quốc, trong năm nay, lũ lụt gây ra thiệt hại 430 triệu USD. Tại tỉnh Hồ Nam lân cận, 53.000 ngôi nhà bị phá hủy. "Trong 30 năm tới, dự báo, các trận mưa lớn sẽ tiếp tục gia tăng ở Châu Á, khoảng 20%", nhà khoa học về khí hậu Dewi Kirono tại Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) cho biết.

Nam Á là khu vực ẩm ướt nhất trên lục địa và là một trong những khu vực ẩm thấp nhất trên thế giới, với lượng mưa trung bình ít nhất là 1.000mm mỗi năm. Một nghiên cứu hồi năm 2012 chỉ ra, khi mưa nhiều, hơn 137 triệu người ở Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc có nguy cơ bị lũ lụt. Quy hoạch thoát nước kém và quy hoạch thiển cận cùng với sự phát triển nhanh chóng của đô thị ở Nam Á, càng làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng.

"Thành phố chết"

Phần lớn những người thiệt mạng do lũ lụt trên toàn thế giới từ năm 1950 chủ yếu tại 3 quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

Theo số liệu thống kê từ Cơ sở Dữ liệu Sự kiện Khẩn cấp của Trường Đại học Universit Catholique de Louvain, từ năm 1950, hơn 2,2 triệu người ở 3 nước này chết do lũ lụt. Trong báo cáo mới nhất, Ủy ban Liên Chính phủ về Thay đổi Khí hậu (IPCC), cho biết khu vực Châu Á phải chịu những tổn thất kinh tế từ thiên tai khí hậu, với ¼ tổn thất kinh tế toàn cầu là ở Châu Á. Lũ lụt tại Trung Trung Quốc vào tháng 7-2017, tàn phá lớn và khiến gần 90 người thiệt mạng hoặc mất tích. Một người sống tại làng Shilong ở tỉnh Hồ Nam cho biết: "Đường bị tắc nghẽn, cột điện bị đổ, nước bị ô nhiễm, không có tín hiệu điện thoại, người cao tuổi và trẻ em chờ đợi thức ăn". Một người dân khác cũng cho biết: "Nơi đây như một thành phố chết".

Đồng bằng ngập lũ

Trong thập niên qua, lũ lụt khiến hơn 100.000 người thiệt mạng tại Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh cũng như gây thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm. Vấn đề này tập trung vào 3 con sông lớn bắt nguồn từ Himalaya là sông Hằng, Brahmaputra và Dương Tử. Khoảng 500 triệu người, hoặc 50% dân số ở Ấn Độ và Bangladesh, và khoảng 300 triệu người, chiếm khoảng 25% dân số Trung Quốc, sống trong các lưu vực của 3 con sông này.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á năm 2012 cho biết: "Nhiều thành phố Châu Á, đặc biệt là một số siêu đô thị, được xây dựng tại các vùng đồng bằng sông ngòi lớn, nơi có thể nối các thành phố với nền kinh tế toàn cầu. Khi những cơn mưa kéo dài, mực nước các con sông này dâng lên đáng kể, gây lũ lụt ở các thành phố và thị trấn lân cận. Theo các chuyên gia, lũ lụt tại đô thị có thể gây ra thiệt hại "vượt quá phạm vi thực tế". 

Việc người dân nông thôn kéo đến các đô thị ở Trung Quốc và Ấn Độ khiến thành phố phải xây dựng vội vàng để thích ứng với nhu cầu về chỗ ở, đi lại. Ấn Độ, bắt đầu từ một điểm tương tự như Trung Quốc, đã tăng gấp đôi quy mô dân số đô thị, với 33% dân số ở các thành phố lớn.

Khí hậu nguy hiểm

Chỉ cần nhìn lại Châu Á 5 năm qua, chúng ta sẽ thấy bằng chứng về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. "Mumbai, Thượng Hải, Bắc Kinh, Phnom Penh - tất cả các thành phố lớn ở Châu Á đều có ít nhất một trận lụt lớn, do đó không có nghi ngờ gì về tình hình đang xấu đi", ông Abhas Jha cho biết.

Các tác động dự kiến của biến đổi khí hậu đối với thời tiết của thế giới được ghi chép đầy đủ. Nhiệt độ nóng hơn, mực nước biển dâng cao hơn và mưa nhiều hơn.

AN BÌNH (Theo CNN)