Châu Á đua cùng vũ khí hạt nhân

Thứ năm, 19/06/2014 10:11

(Cadn.com.vn) - Sự ra đời của tên lửa đạn đạo đa đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) ở Châu Á có khả năng kích động cuộc đua vũ khí hạt nhân (VKHN) lớn trong khu vực đang phát triển mạnh mẽ này.

MIRV tạo thêm đầu đạn hạt nhân...

Tương lai của VKHN là Châu Á, chứ không phải Trung Đông. Tờ Pacific Realist đưa ra lý do khẳng định nhận định này trong bài viết hôm 17-6. Bài viết lập luận: Mỹ, Nga, Trung, Ấn và Pakistan nên thương lượng và đưa ra lệnh cấm tên lửa MIRV. Hiện nay, Washington và Moscow đều triển khai những tên lửa như vậy, trong khi Bắc Kinh và New Delhi đều có ý định mua lại chúng.

Nếu họ không thành công trong nỗ lực này, có thể sẽ dẫn đến cuộc chạy đua VKHN ở Châu Á giữa Trung, Ấn, Pakistan, và nhanh chóng lan sang Nga và Mỹ. Tên lửa MIRV được đánh giá có khả năng gây mất ổn định.

Bởi vì có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc, hoặc tập trung nhiều đầu đạn hạt nhân vào một mục tiêu duy nhất, MIRV làm tăng nguy cơ hủy diệt của sức mạnh vũ trang hạt nhân trong trường hợp xảy ra tấn công bất ngờ. Ngoài ra, tên lửa MIRV sẽ thúc đẩy các nước sản xuất nhiều đầu đạn hạt nhân hơn để trang bị cho các tên lửa MIRV.

Điều này có thể được nhìn thấy trong cuộc chạy đua VKHN giữa các cường quốc trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ triển khai tên lửa MIRV đầu tiên của thế giới, Minuteman III, vào năm 1970, lúc đó các cường quốc có khoảng 38.000 đầu đạn hạt nhân. 10 năm sau đó, họ có hơn 54.000 đầu đạn hạt nhân.

Một thập kỷ sau khi Liên Xô triển khai tên lửa MIRV đầu tiên vào năm 1974, các cường quốc có khoảng 63.000 đầu đạn hạt nhân. Điều đó cho thấy, sự ra đời của tên lửa MIRV tác động lớn đến kho VKHN của Liên Xô, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào các loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) hơn Mỹ.

Một vụ thử MIRV. Ảnh: Diplomat

... và thúc đẩy chạy đua vũ trang

Điều này không tốt cho những cường quốc hạt nhân Châu Á hiện nay, bởi họ thường có kho VKHN khá nhỏ, và chủ yếu dựa vào tên lửa đạn đạo. Nếu Ấn, Trung có được MIRV, có khả năng mỗi nước sẽ mở rộng kho VKHN cũng như tiếp tục phân tán chúng để đảm bảo có một khả năng bảo vệ thứ hai an toàn. Bắc Kinh và New Delhi cũng sẽ phát triển VKHN để trang vị cho các tên lửa MIRV mới.

Tất nhiên, việc Ấn Độ mở rộng kho VKHN sẽ buộc Pakistan chạy theo công nghệ này. Nga, dựa vào ưu thế hạt nhân cũng sẽ tính toán để phát triển nhiều VKHN hơn. Và tất nhiên, Mỹ sẽ chịu áp lực phải giữ cân bằng chiến lược với Nga. Vì vậy, nếu quy định cấm MIRV thất bại có thể sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua VKHN tốn kém và nguy hiểm ở Châu Á.

Đây chỉ là một trong những lý do tại sao VKHN trong tương lai là ở Châu Á. Việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự, cũng như những tuyên bố quyết đoán hơn trong tranh chấp lãnh thổ với các nước khác. Điều này sẽ gây áp lực đáng kể đối với các nước láng giềng không hạt nhân, buộc các nước này phải có được vũ khí chiến lược để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Dù Mỹ ủng hộ giải trừ VKHN thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Washington vẫn phụ thuộc nhiều vào loại vũ khí kinh hoàng này để đối đầu Liên Xô. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng cường quân sự trong những thập kỷ tới, Mỹ gần như không thể bảo vệ Đông Á chỉ bằng các vũ khí quân sự thông thường.

Và dĩ nhiên, khi đó, Washington phải dựa vào VKHN một lần nữa. Một điều thú vị là, trong khi hầu hết các mối quan ngại về VKHN ở Châu Á hiện nay tập trung vào Triều Tiên, điều này không có khả năng xảy ra trong tương lai.

An Bình
(Theo Diplomat)