Châu Á dưới thời Hillary Clinton?

Thứ ba, 14/04/2015 10:03

(Cadn.com.vn) - Bà Hillary Clinton sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2016. Và điều người ta quan tâm là nếu bà chiến thắng, chính sách của Mỹ đối với Châu Á sẽ như thế nào?

Ngày 12-4, bà Hillary chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016 bằng đoạn băng tuyên bố trên các mạng truyền thông xã hội.

Theo truyền thống, chính sách đối ngoại đóng một phần rất nhỏ trong việc quyết định kết quả bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, kết quả thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew công bố cho thấy, người Mỹ đánh giá chính sách đối ngoại quan trọng hơn chính sách trong nước trong các bài phát biểu của các ứng viên, tăng gấp đôi năm trước. Bà Hillary đang có lợi thế khi từng là Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 2009-2013, là ứng cử viên kinh nghiệm nhất khi nói đến chính sách đối ngoại và đặc biệt là khi nói đến Châu Á.

Michael Fullilove, Giám đốc điều hành Viện Lowy, cho rằng, "tái cân bằng là thành tích đối ngoại của bà Hillary với vai trò Ngoại trưởng". Trong bài viết trên tờ Foreign Policy năm 2011, bà Hillary viết về "xoay trục" Châu Á-Thái Bình Dương (sau này đổi tên là "tái cân bằng"). Bà thậm chí sử dụng thuật ngữ này trước đó và trên thực tế bà và Tổng thống Barack Obama thực hiện nhiều chuyến đi đến khu vực này 2 năm trước đó, tham gia vào chính sách ngoại giao "hướng về phía trước" của năm 2010.

Bà Hillary Clinton cùng các lãnh đạo ASEAN tại cuộc họp Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia tháng 9-2012. Ảnh: Reuters

Vai trò của chiến lược "tái cân bằng"

"Chúng tôi đang thực hiện quan hệ gắn bó trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi đang làm việc để xây dựng lòng tin giữa Trung-Mỹ, và chúng tôi cam kết mở rộng kinh tế, chính trị, và hợp tác an ninh bất cứ nơi nào có thể", bà Hillary viết.

Trong bài phát biểu tương tự, bài thuyết trình về quan hệ Mỹ-Trung  trong thế kỷ XXI và năm 2011, bà Hillary đề cập đến những quan điểm lệch lạc: "Một số người trong khu vực và một số người Mỹ nhìn thấy sự tăng trưởng của Trung Quốc như mối đe dọa sẽ dẫn đến xung đột kiểu Chiến tranh lạnh hoặc sự suy giảm của Mỹ. Và một số người ở Trung Quốc lo lắng, Washington sẽ bẻ cong sự trỗi dậy của Trung Quốc và kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới, quan điểm gây ra chủ nghĩa dân tộc quyết đoán của Trung Quốc. Chúng tôi bác bỏ những quan điểm đó".

Trong bài phát biểu, bà Hillary thừa nhận rằng Mỹ và Trung Quốc "là hai quốc gia phức tạp với lịch sử khác biệt, với hệ thống chính trị và triển vọng hoàn toàn khác nhau", song điều này không ngăn cản hợp tác, cũng không ngăn cản sự cạnh tranh giữa hai nước.

Mối lo tranh chấp lãnh thổ

Mặc dù một tỷ lệ đáng kể người Mỹ dường như không hoàn toàn nhận thức được các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng (39% nói rằng họ không biết gì về tranh chấp như vậy), bà Hillary rất quan tâm đến vấn đề này cũng như các điểm nóng Châu Á khác. Đây là nơi mà yếu tố đầu tiên và thứ ba của chính sách "xoay trục" - về việc tham gia và hợp tác khu vực - để giải quyết những thách thức toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh.

Trong nhận định hồi năm 2010, được đưa ra sau cuộc họp với các bộ trưởng ASEAN trong 2 ngày, bà Hillary nêu lên những quan điểm của Nhà Trắng về vấn đề biển Đông, cho biết "Mỹ, cũng như mọi quốc gia khác, có lợi ích quốc gia, tự do hàng hải và tiếp cận với Châu Á, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông".

Đầu năm 2009, bà Hillary có chuyến thăm đầu tiên ở nước ngoài với vai trò Ngoại trưởng. Trong chuyến đi đầu tiên đến Indonesia, bà Hillary gặp gỡ Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, người cho rằng, chuyến thăm "cho thấy mức độ cần thiết của việc chấm dứt sự vắng mặt ngoại giao của Mỹ trong khu vực".

Tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ phải quyết định những gì cần làm với chính sách tái cân bằng Châu Á vốn đang bị bỏ rơi nửa chừng. Tầm quan trọng ngày càng tăng của Châu Á trong thế kỷ tiếp theo là điều không thể bàn cãi. Liệu bà Hillary sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược tái cân bằng Châu Á trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016?

An Bình
(Theo Diplomat)