Châu Á thất bại trong cuộc chiến chống ma túy

Thứ sáu, 16/09/2016 10:25

(Cadn.com.vn) - Philippines tiến hành "cuộc chiến chống ma túy" đẫm máu, giết chết ít nhất 2.400 người chỉ trong 2 tháng, trong khi nước láng giềng Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp về ma túy và mạnh tay với tội phạm ma túy. Tại Thái Lan và Myanmar, ngày càng có nhiều người sử dụng ma túy bị kết án tù dài hạn. Sự phổ biến tăng vọt của methamphetamine buộc các nước Châu Á đưa ra chính sách chống ma túy cứng rắn hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các chính sách này có thể khiến mọi việc tồi tệ hơn.

Ông Geoff Monaghan, người đã điều tra các băng nhóm ma túy trong suốt 30 năm làm thám tử cho Sở cảnh sát London (Anh), cũng như  từng chứng kiến tác động của chính sách chống ma túy hà khắc trong khi làm chuyên gia phòng chống HIV/AIDS tại Nga cho rằng, chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khiến tình hình bạo lực hơn chứ không thể nhổ sạch mạng lưới buôn bán ma túy.

Bùng nổ Meth

Theo Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC), số lượng Methamphetamine- một loại ma túy rẻ tiền, có khả năng gây nghiện cao, còn được gọi là Meth -  bị thu giữ ở Đông Á và Đông Nam Á tăng gần 4 lần, từ 11 tấn vào năm 2009 lên 42 tấn vào năm 2013, chỉ đứng sau khu vực Bắc Mỹ. Theo UNODC, Meth là mối quan ngại chính tại 9 quốc gia Châu Á, gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng đột biến trong sản xuất và sử dụng Meth ở Châu Á là do phản ứng không hiệu quả và thậm chí phản tác dụng của chính phủ các nước. Họ cho rằng, chính sách kiểm soát ma túy của các nước Châu Á đang nghiêng về việc áp dụng biện pháp mạnh tay với tội phạm sử dụng ma túy mà không tấn công bắt giữ các ông trùm đứng sau các vụ buôn bán. Họ cũng cho rằng, cần giảm nhu cầu sử dụng ma túy bằng cách lập thêm các trung tâm cai nghiện chất lượng hơn.

Việc sản xuất diễn ra hầu hết ở khu vực vô luật lệ phía tây Myanmar. Lào và Thái Lan là các tuyến đường buôn bán lớn. Ma túy được vận chuyển bằng đường bộ, dọc theo sông Mekong, phân phối khắp khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

Một người đàn ông đang tiêm ma túy trên một đường phố ở Man Sam, bang Shan, Myanmar. Ảnh: Reuters

Hệ lụy xã hội

Bùng nổ Meth gây hậu quả rất lớn cho xã hội: y tế quá tải, nhà tù đông đúc, gia đình và cộng đồng bị xé nát.

Năm 2003, Thái Lan phát động "cuộc chiến chống ma túy", giết chết khoảng 2.800 người trong 3 tháng. Số liệu cho thấy cuộc chiến này của Bangkok không thể tác động lâu dài đến việc chặn nguồn cung cấp hoặc giảm nhu cầu sử dụng ma túy trong nước. "Thế giới thất bại trong cuộc chiến chống ma túy, không chỉ riêng Thái Lan", Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Paiboon Koomchaya cho biết. Ông Paiboon muốn thay đổi chính sách nhằm giảm số người bị bắt vì tàng trữ và sử dụng ma túy. Cho đến nay, Thái Lan tiếp tục bỏ tù hàng ngàn người sử dụng ma túy nhỏ lẻ, với khoảng 70% trong số 300.000 tù nhân là tội phạm ma túy.

Khó xử lý

Nghiện Meth khó điều trị, tốn kém và tốn thời gian. Sử dụng lâu dài loại ma túy này có thể gây ra những thay đổi trong cấu trúc và chức năng não.

Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, nghiện ma túy nên được xem là "một vấn đề y tế công cộng chứ không phải là vấn đề tội phạm". Tuy nhiên, chính sách của các nước Châu Á đang chuyển động theo hướng ngược lại, với việc cai nghiện ma túy không được quan tâm đầy đủ.

Chưa đến 1% người sử dụng ma túy ở Indonesia được cai nghiện trong năm 2014. Tại Thái Lan, hàng ngàn người nghiện bị giữ trong các trại giam quân đội trong 4 tháng. Tỷ lệ tái nghiện khoảng 60-90%.

An Bình (Theo Reuters)