Châu Á trước mối lo thảm họa thiên nhiên

Thứ năm, 23/04/2015 10:35

(Cadn.com.vn) - Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện rất dễ bị tổn thương do các thảm họa thiên nhiên và vì thế cần có sự phối hợp rộng rãi hơn trong việc lên kế hoạch đối phó.

Khu vực dễ bị tổn thương

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2013, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chiếm 61% các tổn thất từ thiên tai trên toàn cầu trong 20 năm qua, với hơn 1,6 tỷ người bị ảnh hưởng kể từ năm 2000. Tổng thiệt hại do thiên tai giai đoạn 1980-2011 là khoảng 453 tỷ USD.

"Đông Á Thái Bình Dương là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lốc xoáy, sóng thần, động đất và lũ lụt", Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Axel van Trotsenburg thừa nhận. Theo LHQ, người dân sống trong khu vực này có khả năng bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên cao hơn 3,2 lần so với người dân Châu Phi, 5,5 lần so với người Mỹ Latinh và Caribbean, gần 9 lần so với người Bắc Mỹ, và 67 lần so với người Châu Âu. Với thảm họa núi lửa Krakatoa năm 1883, động đất Tohoku năm 2011 và siêu bão Haiyan năm 2013, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến nhiều hiện tượng thiên nhiên khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Có rất nhiều chương trình giúp các chính phủ trong khu vực xác định và ứng phó với các mối đe dọa như các hệ thống cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương, hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương... Ngoài ra còn có một số lượng lớn các tổ chức và các thỏa thuận quốc tế chi phối hoạt động trợ giúp nhân đạo (HA) và cứu trợ thảm họa (DR) đang được thực hiện.

Các nước cần phối hợp trong các hoạt động HA/DR. Ảnh: Diplomat

Đóng góp của Mỹ và Trung Quốc

Mỹ là nước có khả năng nhất, được chuẩn bị và trang bị tốt nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với cứu trợ thiên tai. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (USPACOM) tham gia hơn 40 hoạt động HA/DR trong hoặc gần khu vực trong 20 năm qua.

Trong khi đó, các sáng kiến HA/DR của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng góp công đáng kể. Trung Quốc - quốc gia rất dễ bị thiên tai và thảm họa, đặc biệt là lũ lụt - cũng đóng góp tài chính để ứng phó thiên tai. Năm 2014, Bắc Kinh cam kết sẽ cung cấp khoảng 8 triệu USD xây dựng năng lực đối phó với thiên tai của ASEAN trong khu vực, và ủng hộ 1 triệu USD giúp đỡ nạn nhân lũ lụt Campuchia.

Năm ngoái, Trung Quốc đã gửi hơn một chục tàu thuyền và máy bay và sử dụng 21 vệ tinh để giúp tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia Airlines, và hải quân Trung Quốc sơ tán khoảng 600 công dân Trung Quốc và các nước khác khỏi cảng Aden của Yemen.

Kế hoạch ứng phó thiên tai

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, lỗ hổng lớn nhất trong việc chuẩn bị HA/DR tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là nhiều thiên tai tác động nhiều nước cùng một lúc.

Điều này sẽ phá vỡ kế hoạch ứng phó và khôi phục của các quốc gia. Chuẩn bị ứng phó với thảm họa quy mô lớn là nhiệm vụ khó khăn và đòi hỏi phải diễn tập thường xuyên. Chỉ có quân đội của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia có các nguồn lực và khả năng để giải quyết các hoạt động HA/DR nếu một thảm họa lớn tác động nhiều nước gần như đồng thời. Trong những trường hợp hiếm hoi, các nước có thể điều binh sĩ đến hỗ trợ. Điều quan trọng là quân đội các nước cần có sự chuẩn bị cho tình huống này từ góc độ thiện chí và hợp tác khu vực.

An Bình
(Theo Diplomat)