Châu Á tưởng niệm các nạn nhân thảm họa sóng thần cách đây 20 năm

Thứ sáu, 27/12/2024 10:31

Ngày 26-12, các buổi lễ đầy cảm xúc được tổ chức trên khắp châu Á để tưởng nhớ hơn 220.000 nạn nhân của trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, một trong những thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử.

Trận động đất có độ lớn 9,1 kèm theo sóng thần ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia vào ngày 26-12-2004, đã tàn phá các vùng ven biển ở 14 quốc gia châu Á, thậm chí lan tới khu vực Đông Phi. Khoảng 1,7 triệu người phải di dời, chủ yếu ở 4 quốc gia Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của khoảng 226.000 người, bao gồm nhiều du khách nước ngoài đang đón Giáng sinh trên các bãi biển trong khu vực. Những con sóng cao tới 30 m đã lan rộng khắp Ấn Độ Dương với tốc độ đáng kinh ngạc. Không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra, khiến thời gian sơ tán trở nên hạn chế, mặc dù có khoảng cách kéo dài hàng giờ giữa các đợt sóng.

Người dân Bangladesh mang hoa tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004. Ảnh AP
Đống đổ nát sau khi sóng thần quét qua ở thành phố ven biển Banda Aceh, tỉnh Aceh, Indonesia năm 2004.

Nỗ lựa vực dậy sau thảm họa

Tại Indonesia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 170.000 người thiệt mạng, đông đảo mọi người đã tập trung tại tỉnh cực Tây Aceh để dành một phút mặc niệm và viếng thăm các ngôi mộ tập thể. Tại đây, họ đã cùng nhau tham gia cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo lớn ở thủ phủ Banda Aceh của tỉnh.

Mặc dù đã 20 năm trôi qua, nỗi đau vẫn còn và những người sống sót vẫn nhớ về những người thân yêu đã mất khi những con sóng san phẳng các tòa nhà ở hầu hết các khu vực ven biển của tỉnh Aceh cho đến tận thành phố Banda Aceh. Nhờ hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, nỗ lực tái thiết đã được thực hiện tại khu vực này. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, bệnh viện đã được xây dựng lại và cải thiện khả năng chống chọi thiên tai, với hệ thống cảnh báo sóng thần mới giúp người dân kịp thời tìm nơi an toàn nếu tình huống tương tự xảy ra. Thảm họa này cũng chấm dứt cuộc xung đột ly khai kéo dài hàng thập kỷ ở Aceh, với một thỏa thuận hòa bình giữa quân nổi dậy và Jakarta được ký kết chưa đầy một năm sau đó.

Tại Sri Lanka, nơi có hơn 35.000 người thiệt mạng, những người sống sót và người thân đã tập trung để tưởng nhớ khoảng 1.000 nạn nhân trên một đoàn tàu bị trật bánh do sóng thần. Họ sẽ ngồi đoàn tàu Ocean Queen Express và đi tới Peraliya - nơi tàu bị sóng thần kéo khỏi đường ray, cách Colombo khoảng 90 km về phía Nam - để tham gia một buổi lễ tôn giáo. Ngoài ra, nhiều buổi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo cũng được tổ chức để tưởng nhớ các nạn nhân trên khắp quốc đảo Nam Á này.

Sóng thần cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người ở Thái Lan, với hơn một nửa là du khách nước ngoài. Nhiều người vẫn đang mất tích, với gần 400 thi thể vẫn chưa được xác định danh tính. Các buổi lễ tưởng niệm và cầu nguyện của chính phủ đã diễn ra. Tại một khách sạn ở tỉnh Phang Nga, một buổi triển lãm sóng thần, chiếu phim tài liệu và giới thiệu của các cơ quan chính phủ và Liên hợp quốc đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác chuẩn bị và khả năng phục hồi sau thảm họa.

Người dân Bangladesh mang hoa tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004. Ảnh AP

Sẵn sàng đối phó với thiên tai

Vực dậy sau đau thương, đến nay, các quốc gia châu Á đã chuẩn bị sẵn sàng hơn để ứng phó với thảm họa sóng thần.

Sau thảm họa, các nghiên cứu về thiên tai được tăng cường, các biện pháp cảnh báo, đối phó sóng thần tại Aceh đã dần được thiết lập. Từ năm 2005 đến năm 2024, Google Scholar đã ghi nhận khoảng 1.000 công trình khoa học trên thế giới nghiên cứu về động đất và sóng thần ở Indonesia. Những nghiên cứu này đã cải thiện hiểu biết của thế giới về nguyên nhân và xu hướng động đất.

Những tổn thất quá lớn sau động đất, sóng thần ở Indonesia đã cho thấy nhu cầu cấp thiết về công tác phòng ngừa thảm họa. Ông Nara Setia Kalak, người đứng đầu Cơ quan Quản lý thảm họa Aceh, Indonesia cho biết, Hệ thống cảnh báo sớm sóng thần Indonesia (InaTEWS), do Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) quản lý, đã khuyến khích các hợp tác nghiên cứu địa chấn. Đến nay, hệ thống có 521 trạm địa chấn trải rộng khắp Indonesia, cho phép truyền dữ liệu động đất nhanh hơn đến người dân, đặc biệt là kịp thời cảnh báo sóng thần sau các trận động đất lớn. Ông cho biết thêm, Aceh đã thiết lập được chương trình ứng phó sóng thần, lắp đặt các tháp cảnh báo sớm xung quanh thành phố Banda Aceh, xây dựng những tháp sơ tán cao tầng, có khả năng chống chịu tác động của nước, có sân bay trực thăng trên nóc để người dân có thể trú ẩn khi có cảnh báo sóng thần…

So với 20 năm trước, hiện nay chính quyền Aceh và người dân đã có những nhận thức đầy đủ hơn, chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các thảm họa như động đất hay sóng thần. Thống đốc Aceh, Bustami Hamzah cho biết: "20 năm qua, chính quyền và người dân Aceh đã vượt qua đau thương và khó khăn để tái thiết. Cùng với những nỗ lực phi thường của chính mình, chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và hơn 50 quốc gia trên thế giới đã giúp chúng tôi. Aceh hiện nay đã mạnh hơn qua thử thách, đã phát triển và tương lai sẽ tốt đẹp hơn".

AN BÌNH

Quảng Nam và Kon Tum tiếp tục xảy ra nhiều trận động đất

Ngày 13-10, Viện Vật lý địa cầu cho biết, lúc 1 giờ 56 phút 35 giây cùng ngày, một trận động đất có độ lớn 3.4 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.978 độ vĩ Bắc,108.131 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0...

Nhật Bản: Động đất mạnh gây sóng thần

Cơ quan khí tượng Nhật Bản thông báo một trận động đất mạnh 7,1 độ xảy ra ngày 8-8 ở tỉnh Miyazaki và khu vực lân cận. Cảnh báo sóng thần đã được phát đi tại một số khu vực của đảo Kyushu và Shikoku ở phía nam nước này.

Động đất tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Philippines cảnh báo sóng thần

Một trận động đất mạnh 7,2 độ đã rung chuyển thành phố Đài Bắc ở đảo Đài Loan (Trung Quốc) rạng sáng 3-4, kéo theo cảnh báo sóng thần ở các đảo phía nam Nhật Bản và Philippines.