Châu Âu bên bờ vực cuộc khủng hoảng mới

Thứ hai, 04/06/2018 17:00

6 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), Châu lục này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác, rắc rối và phức tạp hơn nhiều.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đang lãnh đạo một chính phủ liên minh không kiên nhẫn với các mục tiêu của EU. Ảnh: CNN

Trong tuần qua, nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư Eurozone là Italia và Tây Ban Nha đã trải qua các trận động đất chính trị. Italia hiện  giờ sẽ có một chính phủ không mấy tin vào “dự án Châu Âu”. Tây Ban Nha hiện có một liên minh “kỳ quặc” sau khi Thủ tướng bảo thủ Mariano Rajoy  bị phế truất. Cử tri Tây Ban Nha có khả năng phải đối mặt với cuộc bầu cử thứ ba chỉ trong vòng 3 năm.

Vào năm 2012, nhóm các nước “PIGS” (gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha) phải đối mặt với việc các ngân hàng bị khủng hoảng, nợ quá mức và thâm hụt ngân sách kinh niên. Hiện giờ, rắc rối lại gõ cửa nhóm mới “PHIGS” (gồm Ba Lan, Hungary, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha). Những thách thức mới này còn phức tạp và đa dạng hơn.

Rắc rối của hai ông lớn

Italia là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với Liên minh Châu Âu (EU). Trong cuộc bầu cử hôm 4-3, người Italia đã trao quyền lãnh đạo cho liên minh Đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn (LN) vốn chủ trương cản trở quá trình hội nhập sâu rộng hơn của Eurozone. Việc một liên minh chống EU thành công khi “hợp lực” với nhau để trở thành lực lượng lãnh đạo tại nền kinh tế lớn thứ ba EU, đồng thời là nền công nghiệp thứ hai của Châu Âu, đã khiến cả EU lo ngại.

Đầu tuần qua, Tổng thống Sergio Mattarella đã đề cử cựu Bộ trưởng Tài chính Carlo Cottarelli làm Thủ tướng, tạm thời xóa bỏ nỗi lo về một chính phủ chống Châu Âu. Vào cuối tuần qua, Tổng thống chấp nhận danh sách nội các mới, chấm dứt chuỗi thời gian bấp bênh chính trị đã kéo dài suốt mấy tháng qua. Italia đã có một chính phủ sau gần 90 ngày để trống, song nhiều người lo lắng về những gì xảy ra tiếp theo. Cuộc xung đột của phe dân túy với EU vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. M5S và LN đều hứa hẹn tăng phúc lợi và cắt giảm thuế - những biện pháp có thể xung đột với quy tắc về chi tiêu của EU. Ông Matteo Salvini, người sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hứa sẽ có những biện pháp mới mạnh tay đối với người di cư - vấn đề có thể gây ra nhiều tranh cãi ở Châu Âu.

Ngược lại, Tây Ban Nha đã đạt được tiến bộ rất lớn kể từ cuộc khủng hoảng cách đây 6 năm, khi các ngân hàng của nước này chìm xuống và các cơ quan xếp hạng đánh giá nợ của nước này ở mức cao ngang bằng với Azerbaijan. Nền kinh tế Tây Ban Nha đang phát triển lành mạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm (mặc dù vẫn còn cao), xếp hạng tín dụng được khôi phục, và người Tây Ban Nha nhiệt tình ủng hộ Châu Âu.

Vậy tại sao phải lo lắng? Bởi vì nền chính trị ở Tây Ban Nha - từ lâu bị chi phối bởi đảng Bảo thủ (PP) và các nhà xã hội chủ nghĩa - đã bị tan vỡ. Không chỉ có chủ nghĩa ly khai ở Catalan mà còn xảy ra ở cả hai đảng, Podemos và Ciudadanos.

Tây Ban Nha đã tiến hành hai cuộc bầu cử vào năm 2016. Cả hai đều bế tắc. Cuối cùng, ông Mariano Rajoy đã liên minh đứng ra thành lập chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, những cáo buộc tham nhũng đối với các thành viên PP hồi tuần trước đã dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trên chính trường. Thủ tướng Mariano Rajoy không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và bị phế truất. Ông Sanchez, một nhà kinh tế học 46 tuổi không có kinh nghiệm về chính trường, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Tây Ban Nha.

Những PHIGS khác

Hy Lạp chìm khủng hoảng trong gần một thập kỷ. Hiện giờ, Hy Lạp đang có thặng dư ngân sách, nhưng nợ tích lũy của nước này vẫn lên đến 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).  Vào ngày 20-8 tới, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ chấm dứt chương trình hỗ trợ tài chính cho Athens. Châu Âu Hiện đang phân vân có xóa khoản nợ 280 tỷ EUR cho Hy Lạp hay không, song Đức và nhiều nước khác không có ý định “từ thiện” này và cũng không có sự đảm bảo nào về thỏa thuận cho phép Hy Lạp duy trì món nợ của mình khi các bộ trưởng tài chính EU tổ chức cuộc họp vào cuối tháng này.

Trong khi đó, Ba Lan và Hungary lại đang khẩu chiến với EU về người nhập cư và sự độc lập của tư pháp đối với tự do báo chí và “các giá trị dân chủ”. Chính phủ dân túy cánh hữu của hai nước này đều từ chối kế hoạch của EU về hạn ngạch di cư để chia sẻ gánh nặng của dòng chảy người di cư đến từ Địa Trung Hải, động thái buộc Ủy ban Châu Âu phải có hành động pháp lý.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban muốn thúc đẩy cái mà ông gọi là sự thay thế “tầm thường” đối với sự đồng thuận của Châu Âu. Trong khi đó, Ba Lan đã đứng về phía chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại Châu Âu về các vấn đề như lệnh trừng phạt Iran và đường ống dẫn khí đốt của Nga tới Châu Âu. 

Để kiềm chế hai thành viên “bướng bỉnh” này, các quan chức Châu Âu đang suy nghĩ đến triển vọng cắt giảm sự hỗ trợ tài chính hào phóng dành cho họ. Ba Lan và Hungary có thể trả giá.

Và cuối cùng, nổi bật nhất trong danh sách các vấn đề chưa được giải quyết của EU là các điều khoản Brexit. Một khi Anh rời khỏi Châu Âu, Đức và Pháp một lần nữa trở thành “động cơ” của khối. Nhiều người hy vọng rằng trục Macron-Merkel sẽ đưa EU đến một kỷ nguyên mới, song tham vọng tăng cường hội nhập của Tổng thống Pháp không phù hợp với sự thận trọng của Thủ tướng Đức. EU hiện cũng đang phải đối phó với cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Năm 1954, một trong những người tiền nhiệm của bà Merkel, Konrad Adenauer, đã từng phát biểu: “Sự đoàn kết của Châu Âu là giấc mơ của một vài người. Nó đã trở thành niềm hy vọng của nhiều người. Ngày nay, nó đã trở thành điều cần thiết cho tất cả chúng ta”. Trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, Châu Âu vẫn sống sót và phát triển. Nhưng cuộc khủng hoảng lần này xem ra khó khăn bội phần so với năm 2012.

AN BÌNH