Châu Âu có còn yên tĩnh?

Thứ hai, 10/04/2017 09:56

(Cadn.com.vn) - Hôm 7-4, một chiếc xe tải lao vào đám đông người đi bộ ở trung tâm thủ đô Stockholm của Thụy Điển, vụ việc mà Thủ tướng Stefan Lofven cho là “tấn công khủng bố”. Vụ tấn công mới nhất này khiến chuyên gia chính trị và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga Konstantin Sokolov lo ngại, Châu Âu “không còn những góc yên tĩnh”. Theo ông, không có quốc gia Châu Âu nào có thể chắc chắn rằng, một cuộc tấn công tương tự sẽ không xảy ra trên lãnh thổ của mình.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đặt hoa viếng các nạn nhân tại hiện trường vụ tấn công.  Ảnh: CNN

Liên tiếp các vụ tấn công

Cuộc tấn công ở trung tâm thủ đô Thụy Điển khiến 4 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương. 8 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.

Các vụ tấn công Châu Âu năm 2016

 12-2016: Tại Berlin, 12 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi một xe tải lao vào khu chợ Giáng sinh. Nghi phạm, Anis Amri, một kẻ tị nạn người Tunisia, đã bị cảnh sát Italia bắn chết 4 ngày sau vụ tấn công.

 10-2016: Một cậu bé 16 tuổi bị đâm ở Hamburg, Đức. IS nhận trách nhiệm về cuộc tấn công.

 7-2016: 2 kẻ tấn công dùng dao giết chết một linh mục và làm 3 người khác bị thương sau khi bắt giữ con tin tại một nhà thờ Công giáo ở Normandy, Pháp. IS đã nhận trách nhiệm. 2  kẻ tấn công đã bị cảnh sát Pháp bắn chết khi rời khỏi nhà thờ.

 7-2016: 86 người thiệt mạng sau khi một xe tải lao vào đám đông người xem xem pháo hoa nhân Ngày Quốc khánh ở Nice (Pháp). IS đã nhận trách nhiệm.

 6-2016: 45 người thiệt mạng và khoảng 240 người bị thương trong vụ tấn công tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

 3-2016: 32 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong vụ đánh bom tại Brussels, Bỉ. 2 kẻ đánh bom cho nổ tung mình tại ga khởi hành vào thời gian cao điểm, và một giờ sau đó, bom phát nổ trên một chuyến tàu tại một ga tàu điện ngầm làm 16 người thiệt mạng. IS đã nhận trách nhiệm.

 3-2016: 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 người Mỹ, và 36 người bị thương trong vụ đánh bom liều chết ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

 1-2016: 12 du khách người Đức thiệt mạng và 15 người bị thương trong vụ đánh bom tự sát ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 39 tuổi đến từ Uzbekistan. Y đã lái xe tải đâm vào đám đông trong vụ tấn công khủng bố trên. Y từng bị các cơ quan tình báo chú ý. Cảnh sát đang điều tra một “thiết bị kỹ thuật” được tìm thấy trong chiếc xe tải được sử dụng trong vụ tấn công. Trước đó, đài phát thanh SVT của Thụy Điển cho biết, một túi chất nổ chưa được xác định được tìm thấy bên trong xe tải. Chiếc xe bị đánh cắp vài phút trước vụ tấn công. Kẻ tấn công dường như bị bỏng do chất nổ gây ra.

Các nhà chức trách đang điều tra những kẻ đồng lõa khác. An ninh và kiểm soát biên giới được tăng cường. Ông Eliasson cho biết, các nhà điều tra đang tìm hiểu các tài khoản và địa chỉ mạng xã hội của nghi phạm, nhưng từ chối cho biết liệu y có liên hệ với IS hay các nhóm khủng bố khác hay không. Theo ông Eliasson, có sự tương đồng rõ ràng giữa vụ tấn công tại Stockholm với vụ tấn công ở London (Anh) hồi tháng trước, trong đó một người đàn ông lao xe vào người đi bộ trên cầu Westminster trước khi đâm chết một cảnh sát bên ngoài Tòa nhà Quốc hội.

Thụy Điển chưa hết rúng động thì 1 ngày sau, nước láng giềng Na Uy lại đặt trong tình trạng cảnh báo khi một thiết bị nổ được phát hiện tại ga tàu điện ngầm Groenland ở thủ đô Oslo, buộc cảnh sát phải di tản  các quán bar và nhà hàng giữa đêm khuya. Cảnh sát trưởng Vidar Pedersen xác nhận “thiết bị giống bom” được tìm thấy là chất nổ và đã được vô hiệu hóa. Một nghi can đã bị bắt.

Trước đó, hôm 3-4, vụ đánh bom liều chết trên một tàu điện ngầm đang chạy từ nhà ga Sennaya Ploshchad đến nhà ga Viện Công nghệ ở thành phố St. Petersburg (Nga) khiến 14 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương. Kẻ tấn công sau đó được xác định là Akbarjon Djalilov, sinh tại Osh (Kyrgyzstan).

Nỗ lực chung chống khủng bố

Các vụ tấn công khủng bố mới nhất được xem là một bài học đắt giá cho các nước Châu Âu ở thời điểm hiện tại. Thượng nghị sĩ người Nga Franz Klintsevich nhấn mạnh, các vụ tấn công khủng bố mới nhất một lần nữa chứng tỏ sự cần thiết phải có những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống khủng bố. “Khủng bố có “những tế bào ngủ” và sẽ dần dần thức dậy. Châu Âu cần phải hiểu rằng, tất cả các cuộc tấn công khủng bố gần đây một lần nữa cho thấy một điều quan trọng: không thể một mình chống chủ nghĩa khủng bố.

An Bình
(Theo Sputnik, AP)