Châu Âu đáp trả ông Trump

Thứ tư, 18/01/2017 09:44

(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ lỏng lẻo với các nước đồng minh thân cận ở Châu Âu đánh dấu sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn nhất của ông Donald Trump, trong bối cảnh chỉ còn 3 ngày nữa là vị tỷ phú này chính thức lên nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump khuấy đảo mối quan hệ với Châu Âu khi chỉ còn vài ngày nữa là chính thức nhậm chức. Ảnh: Reuters

Giới chức các nước Châu Âu, dẫn đầu là Đức và Pháp, ngày 17-1 mạnh mẽ đáp trả những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, trong đó chỉ trích NATO đã “lỗi thời” và “khuyên” nhiều nước nên nối gót theo Anh rời khỏi Liên minh Châu ÂU (EU).

Theo Reuters, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier nói rằng, những phát ngôn của Tổng thống đắc cử Trump về NATO gây lo ngại cho 28 quốc gia thành viên. Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels (Bỉ), ông Steinmeier cho biết, những nhận xét của ông Trump mâu thuẫn với quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng được đề cử James Mattis. “Tôi đã nói chuyện với ngoại trưởng các nước EU và NATO... Rõ ràng, các ý kiến ông Trump khiến các nước Châu Âu lo lắng”, ông Steinmeier nói.

Nói về những tuyên bố của ông Trump khi trả lời phỏng vấn tờ Bild và Times of London, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, “Châu Âu không cần tư vấn của người ngoài”. Trong khi đó, ứng viên tổng thống Pháp sáng giá Manuel Valls cho rằng, những lời lẽ của ông Trump như là lời tuyên bố chiến tranh với Châu Âu. Từ Brussels, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Federica Mogherini cũng bác bỏ những dự đoán của ông Trump và nhấn mạnh, EU sẽ đoàn kết.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với truyền thông Anh kể từ khi đắc cử chức Tổng thống Mỹ, ông Trump chọc giận Châu Âu khi không những chê bai NATO, mỉa mai EU mà còn nhắm trực tiếp vào Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo đó, ông Trump cho rằng, “bà đầm thép” đã phạm phải “sai lầm thảm họa” với chính sách nhập cư khi để làn sóng hàng triệu người tràn vào nước Đức, mở đường cho các vụ tấn công khủng bố.

Thủ tướng Merkel từ chối bình luận về các nội dung có liên quan đế cá nhân bà, nước Đức cũng như Châu Âu được ông Trump đề cập trong cuộc phỏng vấn. Dù không có phản ứng gì bà Merkel nhấn mạnh, “người Châu Âu tự quyết số phận của mình”, động thái rõ ràng là lời khẳng định đến ông Trump rằng, việc Châu Âu không đợi đến ông phải lo. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, bà muốn đợi đến sau lễ nhậm chức của ông Trump để có kế hoạch làm việc với chính quyền mới của Mỹ. Theo các nguồn tin, bà Merkel đang sắp xếp một cuộc gặp với ông Trump, muộn nhất là vào tháng 3 này.

Tất nhiên, không ai biết rõ ông Trump thật sự sẽ làm gì sau khi vào Nhà Trắng, nhưng có một điều rõ ràng ai cũng nhận thấy hiện nay là mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh thân cận ở Châu Âu sẽ trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết và rằng, Mỹ đang chủ trương tiến gần hơn với Nga. Thực tế cho thấy, kể từ khi đắc cử đến nay, chỉ có một quốc gia duy nhất mà ông Trump gần như không chỉ trích là chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống đắc cử Trump đang bước vào Nhà Trắng với việc xô đẩy những trụ cột chính sách đối ngoại của Mỹ, từ các mối quan hệ với Trung Quốc và Mexico đến vai trò lãnh đạo của Mỹ tại các tổ chức quốc tế sau chiến tranh. Nhưng có lẽ biến động hiện ra lờ mờ đáng kể nhất là mối quan hệ với Châu Âu.

Khả Anh