Châu Âu đối mặt với làn sóng dịch mùa Đông

Thứ hai, 25/10/2021 12:39

Mùa Đông năm nay, thế giới đang quan ngại về làn sóng dịch mới, trong đó Châu Âu được lưu ý đặc biệt sau khi khu vực này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt để sống chung với COVID-19.

Số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Nga liên tục lập kỷ lục. Ảnh: Reuters

Trung Quốc ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất trong 1 tháng qua

Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 mới do biến chủng Delta với số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, ngày 23-10, Trung Quốc đã ghi nhận 38 trường hợp mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu ngày có số ca nhiễm mới cao nhất tại nước này suốt hơn một tháng qua. Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chủ yếu tập trung tại phía bắc và tây bắc Trung Quốc. Cơ quan y tế Trung Quốc cũng đã công bố thêm 12 trường hợp COVID-19 nhập cảnh mới vào hôm 23-10, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở đại lục lên 50 ca. Nhiều thành phố và đơn vị hành chính cấp quận ở Trung Quốc bước vào trạng thái báo động chống dịch, như Bắc Kinh, Quý Châu và Ninh Hạ. Các biện pháp hạn chế đi lại, hoãn sự kiện thể thao và văn hóa, cũng đã được nhiều khu vực áp dụng tùy mức báo động.

Mặc dù số lượng ca nhiễm ghi nhận được trong cụm dịch mới nhất này còn tương đối nhỏ so với các đợt bùng phát ở nhiều quốc gia khác, song diễn biến này được cho đang làm nổi bật những thách thức ở quốc gia duy nhất còn theo đuổi chiến lược "Zero COVID-19". Các chuyên gia y tế nhận định đợt bùng phát này có nguy cơ lan rộng hơn nữa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc COVID-19 ở Châu Âu trong tuần qua tăng 7% và là khu vực duy nhất trên thế giới dịch bệnh đang có chiều hướng tăng. Theo AP, trong bản đánh giá hàng tuần về tình hình đại dịch, WHO cho biết, trong tuần qua, trên thế giới có 2,7 triệu ca nhiễm mới, hơn 46.000 trường hợp tử vong. Hiện, Mỹ là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, với hơn 580.000 trường hợp, nhưng vẫn giảm 11% so với trước đó.

Theo WHO, hai khu vực có tỷ lệ nhiễm cao là Châu Âu và Mỹ. Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân chủ yếu khiến số ca mắc ở Châu Âu tăng. Đây là tuần thứ ba liên tiếp Châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng, khoảng 1,3 triệu ca. Hơn một nửa các quốc gia tại Châu Âu có số ca mắc trong tuần tăng. Tổng số ca nhiễm mới tại Châu Âu trong 7 ngày qua chiếm 38% tổng số ca mắc mới ghi nhận toàn thế giới, đưa châu lục này trở lại là "điểm nóng" của dịch COVID-19.

Nga vừa thông báo ghi nhận số ca mắc và ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong bối cảnh quốc gia này vừa áp dụng biện pháp đóng cửa nơi làm việc trong vòng 1 tuần. Lực lượng đặc nhiệm chống virus của Nga ngày 23-10 cho biết, nước này đã ghi nhận 1.075 ca tử vong và 37.678 ca mắc mới trong ngày 22-10. Đây là những con số cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày tại Nga.

Theo thống kê, số ca tử vong theo ngày ở thời điểm hiện tại cao hơn khoảng 33% so với con số được ghi nhận vào cuối tháng 9-2021 và số ca mắc đã tăng khoảng 70% trong 1 tháng qua. Đến nay mới có khoảng 1/3 trong số 146 triệu người Nga được tiêm chủng. Điều này đã gây áp lực đối với hệ thống y tế và khiến các quan chức thất vọng. Trước việc người dân ngần ngại tiêm vaccine, Tổng thống Putin đã yêu cầu đóng cửa nơi làm việc từ ngày 30-10 đến ngày 7-11. Nhiều khu vực đang áp đặt thêm các biện pháp hạn chế như đóng cửa phòng tập thể dục, nhà hát và dịch vụ phục vụ tại chỗ tại các nhà hàng, hoặc yêu cầu khách hàng phải quét mã QR để xác nhận rằng họ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tình hình dịch bệnh cũng diễn biến đặc biệt phức tạp tại Anh. Con số lây nhiễm ở Anh đã trở lại mức cao chưa từng có từ giữa tháng 7 đến nay, cao gần gấp đôi so với hồi tháng 1. So với các nước Tây Âu khác, Anh vẫn có tỷ lệ mắc, nhập viện và tử vong cao. Tuần qua, nước này đã ghi nhận hơn 325.000 ca mắc, cao nhất Châu Âu và hơn 52.000 ca chỉ riêng trong ngày 21-10, nhiều hơn con số ở cả Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha cộng lại. Hôm 19-10, Anh cũng ghi nhận 223 ca tử vong, mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 3. Theo các chuyên gia, nếu không có sự can thiệp kịp thời, sẽ có thêm nhiều người tử vong và hệ thống y tế công (NHS) của Anh sẽ lại trở nên quá tải trong mùa Đông tới.

Trong bối cảnh mùa Đông đang tới, nguy cơ liên quan đến đại dịch COVID-19 càng tăng cao khi làn sóng dịch bệnh mới rất dễ tái bùng phát do nhiệt độ xuống thấp trở thành điều kiện thuận lợi để virus sinh sôi và nguy cơ lây lan tiềm ẩn từ những biến thể của SARS-CoV-2. Mùa Đông cũng là thời điểm của bệnh cúm mùa, đe dọa làm gia tăng sức ép lên hệ thống y tế vốn chưa được thả lỏng sau các đợt dịch vừa qua.

Trong tuần qua còn ghi nhận sự xuất hiện một biến thể phụ của biến thể Delta có tên AY.4.2, ở những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao như Anh hay Nga. Không ít chuyên gia đã lo lắng biến chủng này sẽ phát tán mạnh hơn, làm gia tăng tỷ lệ mắc mới. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng AY.4.2. rốt cuộc còn có thể thay thế Delta, trở thành biến thể phổ biến. Với việc số ca mắc mới gia tăng ở mức đáng báo động sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, giới chuyên gia ở thời điểm hiện tại đã đưa ra cảnh báo nguy cơ Châu Âu phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ ba vào mùa Đông sắp tới.

AN BÌNH