Châu Âu và bài toán hồi hương tay súng IS

Thứ năm, 21/02/2019 12:09

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, sẽ đề nghị các đồng minh Châu Âu “tiếp nhận lại” hơn 800 tay súng IS là những công dân nước này bị bắt tại Syria, đã làm bùng nổ những phản ứng trái chiều, khi các quốc gia bày tỏ quan ngại về cách đưa các phần tử Hồi giáo cực đoan này ra xét xử.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh cái gọi là “vương quốc Hồi giáo” sắp sụp đổ, có khả năng lực lượng địa phương tại Syria đã bắt giữ các tay súng IS sẽ buộc phải thả các phần tử thánh chiến này, và khi đó “Washington không muốn chứng kiến các tay súng IS xâm nhập Châu Âu”. Từ lâu, số phận các phiến quân này như vậy là một câu hỏi hóc búa cho người Châu Âu trong vài năm qua. Các tù nhân IS có thể bị tra tấn hoặc tử hình nếu họ vẫn ở trong tù ở Syria hoặc Iraq, trong khi EU phản đối án tử hình.

Nhưng rất ít quốc gia Châu Âu có đại sứ quán ở Syria hoặc Iraq, chứ đừng nói đến các hiệp ước dẫn độ để tiếp nhận lại công dân của họ. Chứng minh những phiến quân đó thật sự là ai và thu thập bằng chứng vững chắc chống lại các nghi phạm tại các tòa án Châu Âu cũng là điều hầu như không thể. Ngoài ra còn chưa kể đến việc những kẻ khủng bố bị kết án sẽ rời khỏi các nhà tù Châu Âu trong hàng chục năm tới bởi nhiều người trong số họ là những chiến binh đã huấn luyện hoặc chiến đấu ở Syria và Iraq nhưng không phải đối mặt với cáo buộc nghiêm trọng do không đủ bằng chứng. Các chiến binh thánh chiến Pháp tạo thành đội ngũ các tân binh Châu Âu lớn nhất tại Syria.

Sau đó là câu hỏi phải làm gì với những người vợ và những đứa con của các phần tử phiến quân thánh chiến này. Trường hợp một thiếu nữ người Anh bỏ trốn để gia nhập IS, đã hạ sinh một bé trai và giờ muốn quay trở về nước đã châm ngòi cho cuộc tranh luận ở Anh về cách đối phó với những công dân đang cố gắng rời khỏi Syria khi nhóm cực đoan IS đang sụp đổ.

Đó là lý do mà Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã thẳng thắn thừa nhận, vấn đề này là “một trong những thách thức trước mắt lớn nhất của chúng tôi trong những tháng tới”. Hiện Anh từ chối tiếp nhận lại những công dân đã gia nhập IS và tước quyền công dân của họ. Bỉ trước đây nói sẽ không thực hiện bất kỳ nỗ lực lớn nào để đảm bảo việc thả 12 công dân bị cầm tù ở Syria và 2 công dân ở Iraq. Các quốc gia Châu Âu khác vẫn giữ im lặng về số phận của những người đàn ông và phụ nữ được coi là mối đe dọa an ninh đất nước.

Cho đến nay, chỉ có mình nước Đức cho biết có thể tiếp nhận lại các tay súng tham gia IS bị bắt giữ ở Syria, nhưng với điều kiện những đối tượng này được quyền tiếp cận lãnh sự. Theo các số liệu thống kê mới nhất, kể từ năm 2013 đến nay đã có khoảng 1.050 người Đức đã tới các khu vực chiến sự ở Syria và Iraq, tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 người trong số này quay trở về Đức.

THANH VĂN