Châu Âu và mối lo “hiện tượng domino”

Thứ bảy, 06/08/2016 10:57

(Cadn.com.vn) - “Cơn lốc” Brexit (Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu -EU) vẫn đang càn quét khắp lục địa già. Cùng với đó là mối lo về “hiện tượng domino” của Brexit. Trong đó, lo ngại nhất đang dồn về Italia, vì nhiều lý do.

Hiện nay, ngân hàng lâu đời nhất thế giới, ngân hàng Monte Dei Paschi Di Siena (BMDPF) của Italia đang đối mặt thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Cổ phiếu BMDPF rớt giá 45% trong thời gian qua.  BMDPF thậm chí không “đơn độc” khi cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác ở Italia cũng đều giảm khoảng 30% kể từ ngày 23-6, thời điểm cử tri Anh bỏ phiếu rời EU.

Hệ thống ngân hàng Italia bị nghẹt thở trên đống nợ xấu trong nhiều năm qua, nhưng vấn đề Brexit khiến mọi việc tồi tệ hơn. Và đó là lý do khiến lợi nhuận ngân hàng yếu. Một triển vọng kinh tế yếu hơn có thể thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Đó sẽ là tin xấu cho các ngân hàng. Bởi quyết định cắt giảm lãi suất của ECB có thể làm cho các ngân hàng Italia yếu hơn nữa, đặc biệt là trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó là những biến động chính trị. Một cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Italia cùng với cú sốc Brexit, có thể thổi bùng tình cảm chống Châu Âu. Italia mất lòng tin vào đồng EUR, và kêu gào trưng cầu dân ý về việc sử dụng đồng tiền chung này. Thủ tướng Matteo Renzi đứng trước nguy cơ thất bại trong cuộc bỏ phiếu vào mùa thu này về cải cách hiến pháp. Nếu ông Renzi bị buộc phải từ chức, dẫn đến các cuộc bầu cử mới vào thời điểm mà tâm lý chống đồng EUR đang tăng cao, đó sẽ là bất lợi cho đảng cầm quyền.

Thực tế, các nước có truyền thống ủng hộ một Châu Âu hội nhập đã trở nên hoài nghi về đồng EUR sau nhiều năm kinh tế trì trệ và những hoạt động tái cơ cấu tài chính đau đớn. Nền kinh tế Italia hầu như không tăng trưởng kể từ khi nước này thông qua việc sử dụng đồng EUR vào năm 2002. Brexit như dội thêm gáo nước lạnh vào đó. Và nguy cơ “hiệu ứng domino” lan tỏa khắp khu vực đã phủ bóng lớn hơn.

Không chắc liệu vụ “ly dị” đầu tiên giữa Anh và EU làm giảm tốc độ tăng trưởng trên khắp Châu Âu như thế nào, nhưng điều mà Italia và nhiều nước EU khác cần là “hãy tỉnh táo” để không đi theo vết xe đổ.

Thanh Văn