Châu Âu với nỗi lo thiếu năng lượng khi mùa đông sắp đến

Thứ sáu, 05/08/2022 15:37
Vài tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng bổ, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ do nguồn cung khí đốt từ Nga bị thắt chặt. Chính phủ các nước châu Âu đang áp dụng mọi biện pháp để tiết kiệm năng lượng, song mùa đông sắp tới vẫn là một thách thức.
Đức tắt đài phun nước ở quảng trường Martin - Luther - Platz, Augsburg để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Reuters
Đức tắt đài phun nước ở quảng trường Martin - Luther - Platz, Augsburg để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Reuters

Kìm hãm mức tiêu thụ

Hầu hết Liên minh châu Âu (EU) đều đang đối mặt với tình trạng gia tăng nhiệt độ và giá năng lượng, cùng mối đe dọa cắt nguồn cung khí đốt từ Nga. Tất cả gây áp lực ngày càng lớn lên người dân ở các nước châu Âu, buộc họ phải kìm hãm mức tiêu thụ.

Hôm 1-8, Chính phủ Tây Ban Nha công bố một loạt biện pháp khẩn cấp, theo đó các doanh nghiệp, nhà hàng, bảo tàng và phương tiện giao thông công cộng của nước này phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về điều hòa nhiệt độ để tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp khác bao gồm khuyến khích làm việc từ xa nhiều ngày trong tuần để tiết kiệm nhiên liệu, tắt đèn tại các tòa nhà công cộng và cửa sổ cửa hàng khi không sử dụng, đóng cửa sổ và cửa ra vào để giảm căng thẳng cho hệ thống điều hòa và sưởi ấm.

Tuần trước, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher đã ban hành sắc lệnh yêu cầu phạt 765 USD đối với những chủ cửa hàng để cửa mở khi đang bật điều hòa ở mức tối đa. Từ 1-6 giờ hàng ngày, các công ty không được phép chiếu quảng cáo ngoài trời, những người vi phạm có nguy cơ bị phạt khoảng 1.562 USD. Nhiệt độ trong nhà không được để quá 18 độ C vào mùa đông hoặc dưới 26 độ C vào mùa hè. Gara đậu xe hoàn toàn không có đèn chiếu sáng, trừ trường hợp xe hoặc người đến và đi. Chính phủ và một loạt tập đoàn lớn đã chuẩn bị các kế hoạch "giảm tải" sâu rộng cho mùa đông sắp tới.

Tại Đức, Berlin được cho là sẽ tắt đèn giao thông không cần thiết vào ban đêm. Theo S&P Global Commodity Insights, vào tháng 6, Đức đã chuyển sang giai đoạn hai trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp, đề xuất thiết lập 4 trạm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi và 2 trạm cố định ngoài khơi vào cuối năm nay.

Italy cũng đang chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp bao gồm tắt đèn chiếu sáng tượng đài, đóng cửa các tòa nhà thương mại lúc 19 giờ, và áp đặt mức nhiệt làm mát hoặc sưởi ấm tối đa vào mùa hè và mùa đông trong tất cả tòa nhà công cộng, trừ bệnh viện.

Nỗi lo mùa đông sắp đến

Có nhiều lý do khiến nỗ lực của châu Âu có thể bất thành khi mùa đông đến gần. Trên thực tế, hàng chục quốc gia EU phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga, thậm chí vượt qua mức trung bình 40% của cả châu Âu. Các nhà phân tích nói rằng Nga nhận thức rõ về chiến dịch tích trữ đủ khí đốt của châu Âu nên họ có thể làm khó bằng cách tiếp tục thu hẹp nguồn cung.

Hôm 3-8, tập đoàn Gazprom của Nga đã đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho công ty Bulgargaz của Bulgaria do không thanh toán bằng đồng ruble đúng hạn. Hiện nay, Bulgaria đối mặt với sự hỗn loạn và đổ vỡ đang diễn ra trong ngành năng lượng. Chính phủ lâm thời Bulgaria thông báo đã thành lập một cơ quan liên bộ nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng, bao gồm nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung và khả năng dự đoán về giá khí đốt, đề xuất cơ chế kiểm soát đối với giá nhiên liệu và điện. Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Ivanov Khristov chỉ rõ tình hình nguồn cung khí đốt đang cực kỳ nghiêm trọng và lượng khí đốt sẵn có không đủ đáp ứng nhu cầu trong mùa sưởi ấm. Ông Khristov nói: “Nguồn cung cấp khí đốt được đảm bảo cho đến tháng 9 nhưng sẽ không đủ cho đến cuối năm”.

Thời tiết cũng là rủi ro khó lường khác. Một mùa đông đặc biệt lạnh giá, một cơn bão ở Biển Bắc đánh tan sản lượng khí đốt của Na Uy hoặc một mùa bão Đại Tây Dương khi các tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng chậm trễ, đều có thể khiến châu Âu rơi vào tình trạng thiếu năng lượng.

Những lo lắng này đang được phản ánh lên giá khí đốt giao sau ở châu Âu. Nó đã tăng gấp đôi trong hai tháng qua, lên khoảng 200 EUR một MWh trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan, gấp khoảng 10 lần so với một năm trước. Rất ít nhà phân tích hoặc lãnh đạo doanh nghiệp dự báo tình hình cải thiện trong những tháng tới. Thay vào đó, mùa đông có thể sẽ tạo thêm nhiều khó khăn với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như luyện kim, nhà sản xuất phân bón và thủy tinh.

Khí tự nhiên hóa lỏng, giải pháp thay thế chính cho khí đốt từ Nga cho phần lớn lục địa, vẫn là một giải pháp thay thế tốn kém. Và nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu với LNG có thể làm tổn thương các khu vực khác trên thế giới. Một mùa đông lạnh giá ở châu Á - thị trường chính tiêu thụ LNG - sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh với châu Âu trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu có giới hạn. Cuối cùng, rất khó để biết được một lượng lớn khí đốt sẽ được bổ sung từ đâu trong trường hợp vắng Nga.

AN BÌNH