Châu Phi - chiến trường mới của lực lượng thánh chiến?
Liệu Châu Phi có đang vượt qua Trung Đông để trở thành chiến trường mới của lực lượng thánh chiến?
Boko Haram cam kết trung thành với IS vào năm 2015. |
Gần đây, khoảng 300 binh sĩ Anh đã tới Mali, quốc gia đang bất ổn ở Tây Phi, trong bối cảnh tổ chức Hối giáo IS dường như đã di chuyển từ Trung Đông sang Châu Phi. Trong sứ mệnh kéo dài 3 năm mang tên Chiến dịch Newcombe, họ đang gia nhập lực lượng khoảng 15.000 quân đội đa quốc gia của LHQ, do Pháp dẫn đầu, nhằm ổn định một khu vực Sahel.
Mali là một trong số các quốc gia Sahel hiện đang chiến đấu với các cuộc nổi dậy thánh chiến và tình trạng bạo lực ngày càng tồi tệ hơn. Theo báo cáo của tổ chức Chỉ số Khủng bố Toàn cầu công bố ngày 25-11, “trọng tâm” của IS đã di chuyển khỏi Trung Đông sang Châu Phi và ở một số phần của khu vực Nam Á, với tổng số người chết do IS gây ra ở vùng cận Sahara, Châu Phi tăng 67% so với năm ngoái.
“Giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống khủng bố”
Các phần tử thánh chiến đã hoạt động lâu nay ở Châu Phi. Trùm khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden đã đặt Sudan làm căn cứ của mình trước khi chuyển về Afghanistan vào năm 1996. Phong trào Boko Haram của Nigeria, nổi tiếng với vụ bắt cóc hàng trăm nữ sinh tại Chibok vào năm 2014, đã thực hiện các cuộc tấn công lớn sau khi tuyên bố tiến hành cuộc thánh chiến vào năm 2010.
Hiện nay, khi sự cạnh tranh giữa các nhóm thánh chiến đối địch gia tăng, mối đe dọa khủng bố trong khu vực ngày càng gia tăng. Điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ Nathan Sales, cho biết cả IS và Al-Qaeda đều đã chuyển phần lớn hoạt động ra khỏi vùng trung tâm của chúng ở Syria và Iraq sang các nhánh ở Tây và Đông Phi, cũng như Afghanistan. Theo ông Sales, “Châu Phi là một mặt trận quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống khủng bố”.
Ngoài cuộc chiến của chính phủ các nước chống lại lực lượng thánh chiến, còn có sự cạnh tranh diễn ra giữa những người ủng hộ Al-Qaeda và IS. Mọi việc đang trở nên gay gắt đến mức chuyên gia người Pháp về thánh chiến Olivier Guitta thuộc tổ chức tư vấn GlobalStrat Risk Consultancy dự đoán: “Châu Phi sẽ là chiến trường của thánh chiến trong 20 năm tới và nó sẽ thay thế Trung Đông”. Al-Qaeda và IS có chung kẻ thù là những kẻ thống trị thế tục, được phương Tây ủng hộ mà chúng gọi là “những kẻ bội đạo”. Nhưng chúng cũng có những khác biệt lớn trong cách tiếp cận. IS có khuynh hướng cực đoan, bạo lực - thể hiện qua các đoạn băng chặt đầu ghê rợn. Mặc dù điều này chắc chắn thu hút những tội phạm xã hội đen và tội phạm bị kết án vào hàng ngũ của nhóm, nhưng chúng cũng có xu hướng bài xích đại đa số người Hồi giáo. Trong khi đó, Al-Qaeda và các nhánh của nhóm tìm cách giành lấy lòng trung thành của những người dân địa phương không tin tưởng vào chính phủ hoặc cảnh sát, khai thác những bất bình trong khu vực và xung đột sắc tộc.
Những quốc gia nguy cơ cao nhất
Mali, Chad, Niger, Burkina Faso và Mauritania tạo nên các quốc gia Sahel và tất cả đều phải hứng chịu các cuộc tấn công từ quân nổi dậy. Nhiều phần trong khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng và nhiều vùng không gian rộng lớn không được quản lý.
Nigeria hứng chịu một số cuộc tấn công khủng khiếp nhất của các phần tử thánh chiến trong khu vực. Chính phủ đang phải vật lộn để kiểm soát khu vực đông bắc đất nước nơi phong trào Boko Haram ngày càng lớn mạnh. Theo tổ chức Chỉ số Khủng bố Toàn cầu, Boko Haram đã nhận trách nhiệm hơn “37.500 trường hợp chết người liên quan đến giao tranh và hơn 19.000 trường hợp chết người do khủng bố kể từ năm 2011, chủ yếu ở Nigeria” và các nước láng giềng. Năm 2015, một phe của Boko Haram đã cam kết trung thành với IS. Các cuộc tấn công vẫn đang được thực hiện dưới tên của Boko Haram. Các quốc gia phương Tây chỉ cung cấp hỗ trợ quân sự và tình báo hạn chế cho Nigeria.
Cuộc nổi dậy của Al-Qaeda ở Bắc Phi bắt đầu ở Algeria. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thủ lĩnh mới được bổ nhiệm của Al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM) là một người Algeria. Abu Obaida Al-Annabi, 51 tuổi, thay thế người tiền nhiệm Abdelmalik Droukdel, người đã bị quân đội Pháp tiêu diệt ở Mali hồi tháng 6. Việc bổ nhiệm Al-Annabi được những người ủng hộ Al-Qaeda cổ vũ trong khi những người ủng hộ IS lại nghi ngờ về các thông tin xác thực của ông. Tunisia, quốc gia nhỏ nhất trong khu vực, nhưng lại có đến 20.000 người đã tới Syria để gia nhập IS trong giai đoạn 2013-2018. Với tỷ lệ thất nghiệp cao và gần với Libya, Tunisia tiếp tục đối mặt với mối đe dọa khủng bố. Trong khi đó, Libya luôn trong tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011 và cuộc lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi. Sự kết thúc của chế độ cho phép các chiến binh thánh chiến IS có được chỗ đứng ở phía đông Libya.
Tại Somalia, nhóm Al-Shabab là một trong những phong trào thánh chiến nguy hiểm và dai dẳng nhất trên toàn châu lục. Ông Nathan Sales cho biết “Al-Shabab” tự coi mình là nhóm thành công nhất của al-Qaeda”. Chúng đã sống sót sau các chiến dịch quân sự đa quốc gia nhằm tiêu diệt nhóm và vẫn có thể tấn công xuyên biên giới ở Kenya và Uganda cũng như kích nổ những quả bom lớn ở thủ đô Mogadishu của Somalia.
AN BÌNH