Chạy đua với thời gian trong phòng mổ
Có những ca mổ kéo dài nhiều giờ đồng hồ để giành lại sự sống, sự vẹn toàn cơ thể cho người bệnh nên các y bác sỹ quên ăn, mất ngủ là những chuyện thường diễn ra. Vậy nhưng, thực tế có bao nhiêu người có thể hiểu được nỗi vất vả của những y bác sỹ ngày đêm vượt qua nghịch cảnh để cứu lấy bệnh nhân.
Ê kip bác sỹ Khoa Ngoại bỏng - Tạo hình và Khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình (BV Đà Nẵng) thực hiện ca phẫu thuật nối cánh tay cho bệnh nhân. |
Căng mắt dưới ánh đèn
Sau 7 giờ trắng đêm chạy đua với thời gian trong phòng mổ, các bác sỹ Khoa Ngoại bỏng - Tạo hình và Khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình (BV Đà Nẵng) đã nối thành công bàn tay bị đứt lìa cho một nam thanh niên đến từ Quảng Ngãi. Sáng 23-4, có mặt tại Khoa Ngoại bỏng - Tạo hình, chúng tôi thấy niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt của anh Phạm T.M (31 tuổi, trú Quảng Ngãi). Anh M. tâm sự: "Nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết, tận tâm và giỏi về chuyên môn của đội ngũ bác sỹ BV Đà Nẵng, tôi đã vượt qua cơn nguy kịch, ổn định sức khỏe, chờ ngày xuất viện về với gia đình. Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ, cứu chữa nhiệt tình của đội ngũ y bác sỹ BV Đà Nẵng".
Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 10-4, cánh tay của anh M. bị chém đứt lìa. Người thân vội vàng đưa anh và phần cơ thể bị chém rời đến BV Đa khoa Quảng Ngãi. Sau khi các bác sĩ sơ cứu, bệnh nhân được chuyển ra BV Đà Nẵng ngay trong đêm. Tuy đã được sơ cứu băng bó vết thương nhưng do mất máu quá nhiều, di chuyển cấp cứu một chặng đường xa nên khi đến BV Đà Nẵng, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê. Tiếp nhận bệnh nhân, đánh giá mức độ tổn thương, Bs Nguyễn Duy Khánh (Khoa Ngoại bỏng - Tạo hình) và Bs Nguyễn Văn Hòa (Khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình) cùng ê kíp ngay lập tức tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật vi phẫu để nối chi đứt rời cho bệnh nhân. Do đây là một trường hợp khó vì ở nửa bàn tay các mạch máu và thần kinh đã phân chia và nhỏ khiến ca ghép phức tạp. Sau 7 giờ đồng hồ trắng đêm với sự "cân não" của các bác sỹ (từ 23 giờ 30 ngày 10-4 đến 6 giờ 30 ngày 11-4), ca phẫu thuật đã thành công tốt đep, tái lập được tuần hoàn máu và nối ghép thần kinh, hệ thống gân... Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ theo dõi sát và điều chỉnh kịp thời các thông số về chức năng đông máu để đảm bảo sự lưu thông đầy đủ cho bàn tay. Hiện nay, các đầu ngón tay của bệnh nhân hồng, ấm, có thể nhúc nhích nhẹ.
Bs Nguyễn Duy Khánh cho rằng, đây là một trường hợp khó vì ở nửa bàn tay các mạch máu và thần kinh đã phân chia và nhỏ hơn nên đòi hỏi kỹ thuật phải chính xác. Đặc biệt, do đây là trường hợp đặc biệt nên các bác sĩ bỏ qua các thủ tục không cần thiết mà khám và đưa ra phương án xử lý là nối bàn tay vi phẫu theo quy trình mổ cấp cứu ưu tiên. "Đây là ca phẫu thuật phức tạp. Bàn tay là phần cơ thể có nhiều hệ thống xương, gân và mạch máu nhỏ cần được bóc tách đúng. Điều quan trọng nhất của ca phẫu thuật là phải hồi lưu máu đủ, định vị lại hệ thống thần kinh và gân để bàn tay có thể "sống" và hoạt động lại được. Những sợi chỉ được sử dụng trong ca phẫu thuật nhỏ bằng hoặc nhỏ hơn sợi tóc nên cần có kính lúp phóng đại. Sau hơn 10 ngày phẫu thuật, các đầu ngón tay của bệnh nhân hồng, ấm, có thể nhúc nhích nhẹ. Theo kết quả siêu âm, mạch máu tốt, không có dấu hiệu bị hoại tử. Bệnh nhân sẽ được tập phục hồi chức năng và các biện pháp khác để nhanh chóng cải thiện chức năng của bàn tay được nối", Bs Khanh khẳng định.
Trước đó, cũng bằng sự phối kết hợp nhịp nhàng và kịp thời chạy đua với thời gian, các bác sỹ Khoa Ngoại bỏng - Tạo hình và Khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình (BV Đà Nẵng) đã thực hiện ca phẫu thuật nối liền bàn tay phải đứt rời từ cổ tay cho một nam bệnh nhân khác đến từ tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, 3 giờ 48 ngày 9-2-2018, bệnh nhân Trần Văn T. (27 tuổi) được người nhà đưa ra BV Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng bàn tay phải bị đứt rời do tai nạn, đã được sơ cứu và xử trí ngâm nước đá lạnh tại cơ sở y tế địa phương. Tiếp nhận bệnh nhân, ê kip phẫu thuật gồm các Bs: Lê Ngọc Quý, Nguyễn Duy Khánh, Trần Nguyên Quang đã khẩn cấp thăm khám và tiến hành phẫu thuật kết hợp xương, nối 1 động mạch, 3 tĩnh mạch, nối toàn bộ gân và thần kinh bằng kĩ thuật vi phẫu. Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp sau 5 giờ đồng hồ thực hiện. Đây cũng là một trong những ca phẫu thuật rất khó và rất thành công. Yếu tố chính của sự thành công trong phẫu thuật là nhờ sự lưu thông của hệ thống tĩnh mạch…
Theo Bs Khánh, khi bàn tay bị đứt lìa, việc nối ghép trong vòng 6 giờ đồng hồ được xem là "thời điểm vàng". Thời gian không được nối ghép càng kéo dài thì cơ hội cứu bàn tay càng thấp. Bs Khánh đưa ra khuyến cáo đối với những tai nạn bị đứt lìa tứ chi, đứt lìa bộ phận cơ thể, đó là bảo quản phần đứt lìa đúng cách. "Trong trường hợp gần những bệnh viện lớn có khả năng nối chi thì ngay lập tức bọc trong khăn sạch chuyển đến bệnh viện nhanh nhất có thể. Nếu ở xa bệnh viện thì rửa sạch, bọc trong khăn sạch, bỏ vào túi ni lông buộc kín rồi bỏ vào nước mát có ướp đá lạnh chứ không ngâm trực tiếp vào đá lạnh gây bỏng lạnh, dẫn đến hoại tử mô. Và thời gian vàng để ghép nối phần đứt lìa thành công là trước 6 tiếng", bác sĩ Khánh cho biết.
Các đầu ngón tay của bệnh nhân M. hồng, ấm, có thể nhúc nhích nhẹ và chờ ngày xuất viện. |
Mấy ai thấu hiểu sự vất vả
Theo các bác sỹ, thông thường thời gian thực hiện một ca phẫu thuật sẽ tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu thực hiện ca phẫu thuật đơn giản thì bác sỹ ngoại khoa cũng phải mất khoảng thời gian từ 2-3 giờ. Nếu rơi vào những ca phẫu thuật phức tạp thì các bác sỹ phải chấp nhận đứng hàng chục giờ đồng hồ liên tục để làm việc. Bởi thế nên khoảng thời gian để cho các y bác sĩ được nghỉ ngơi, ăn uống một cách điều độ và đảm bảo như những người bình thường là không có. Chính vì thế, nhiều bác sỹ phải nhịn đói, căng mắt trong phòng mổ để kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Công việc vất vả của y bác sỹ nói chung và bác sỹ ngoại khoa nói riêng là như vậy nhưng đâu phải bệnh nhân nào, người nhà bệnh nhân nào cũng có thể hiểu và thông cảm. "Sau những ca mổ kéo dài diễn ra nhiều giờ, chúng tôi luôn cảm thấy rất mệt mỏi. Vậy nhưng, đằng sau vẫn còn nhiều bệnh nhân đang chờ được cứu sống nên chúng phải gác lại việc nghỉ ngơi để tiếp tục chạy đua với thời gian nhằm giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần. Thế nhưng, trong thực tế, mấy ai có thể hiểu được nỗi vất vả của chúng tôi", một bác sỹ ngoại khoa tâm sự.
Mong muốn người bệnh khỏe mạnh và mong muốn mọi người thấu hiểu cho nghề y là nghề đặc thù và nó luôn đi theo sự đòi hỏi khắc nghiệt là những gì các y bác sĩ đang cần xã hội cảm thông và chia sẻ.
LÊ HÙNG