"Chảy máu" chất xám ở bệnh viện công
"Chảy máu" chất xám ở các bệnh viện (BV) công Quảng Nam là vấn đề nổi cộm trong suốt nhiều năm qua. Thiếu bác sĩ (BS) là tình trạng chung của các BV công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay. Từ đồng bằng đến miền núi, bài toán thiếu BS vẫn chưa có lời giải. Trong khi đó, mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút BS nhưng vẫn chưa thể tạo ra sự đột phá.
Nhiều BV công ở Quảng Nam đang đối mặt với bài toán thiếu BS. |
Thực trạng
Những ngày qua, câu chuyện một BS trẻ ở Quảng Nam chấp nhận bồi thường 650 triệu đồng để được nghỉ việc đã xới lên vấn đề "chảy máu" chất xám lâu nay. Đó là BS Phan Xuân Khoa, sinh năm 1991, công tác tại Khoa Gây mê phẫu thuật BVĐK Quảng Nam. Năm 2016, BS Khoa về làm việc cho BVĐK Quảng Nam theo chính sách thu hút BS về làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. BS Khoa đã ký hợp đồng với Sở Nội vụ cam kết làm việc tại BVĐK Quảng Nam trong thời gian 12 năm, được nhận tổng số tiền 350 triệu đồng. Trong đó, 250 triệu đồng là tiền ưu đãi tốt nghiệp đại học loại giỏi và 100 triệu đồng tiền hỗ trợ mua đất làm nhà ở. BS Khoa còn được BVĐK Quảng Nam cử đi học chuyên khoa định hướng về gây mê phẫu thuật tại BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).
Theo lãnh đạo BVĐK Quảng Nam, vừa qua, BS Khoa đã có đơn xin nghỉ việc vì lý do gia đình và BV đã giải quyết cho BS này. Do phá vỡ cam kết nên BS Khoa phải bồi thường cho BVĐK Quảng Nam 58 triệu đồng, bồi thường cho UBND tỉnh 597 triệu đồng. Theo nguồn tin của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, BS Khoa xin nghỉ việc để chuyển vào TP Hồ Chí Minh cùng vợ, đồng thời phát triển sự nghiệp tại đây. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hai thông tin: "Trong hợp đồng quy định rõ, nếu BS nào vi phạm cam kết sẽ phải bồi thường gấp đôi. BS Khoa đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải bồi thường cho Nhà nước và hiện đã chuyển đủ số tiền phải bồi thường cho ngân sách tỉnh".
Đáng nói, BS Khoa không phải là trường hợp duy nhất chấp nhận bồi thường để được nghỉ việc. Năm 2016, Bộ Y tế ban hành thông tư mới. Theo đó, người dân đăng ký BHYT tại tuyến xã khi tham gia khám chữa bệnh tại các trung tâm y tế hay BV tư nhân đều được tính là đúng tuyến. Cùng với đó, một phần lương của các cán bộ y tế sẽ được chi trả trực tiếp từ phí khám chữa bệnh của bệnh nhân. Điều này đã gây áp lực rất lớn lên các BV công và gián tiếp dẫn đến tình trạng nghỉ việc của nhiều BS.
BS Võ Quang Thiều - Giám đốc BV Tâm thần Quảng Nam cho biết, hiện nay, BV đang thiếu BS trầm trọng. Mặc dù có hơn 100 bệnh nhân cần chăm sóc thường xuyên nhưng chỉ có 6 BS làm việc. Còn bà Chế Thị Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ, hiện nay trung tâm chỉ có 3 BS công tác, mỗi BS phải phục vụ hàng chục bệnh nhân mỗi ngày nên rất vất vả. Hiện tại, trung tâm vẫn còn thiếu 3 - 4 BS nữa. Tại BVĐK Trung ương Quảng Nam (đóng ở H. Núi Thành), chỉ tính riêng trong khoảng 2 năm trở lại đây đã có hơn 50 BS đang công tác xin chuyển đi nơi khác. Ngược lại, các bệnh viện tư như BVĐK Thái Bình Dương, BVĐK Vĩnh Đức mỗi năm lại nhận hàng chục BS xin về công tác.
Giải quyết bài toán công - tư
Đề án thu hút BS về công tác tại các cơ sở y tế công lập được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt vào năm 2014, đến nay đã bước vào giai đoạn 2 (2017-2020). Theo đề án, BS tốt nghiệp đại học chính quy tại các Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y - dược Huế đạt loại giỏi sẽ nhận được 250 triệu đồng; tốt nghiệp loại khá nhận được 230 triệu đồng; loại trung bình, trung bình khá nhận được 200 triệu đồng; thạc sĩ, BS chuyên khoa I được nhận 300 triệu đồng; BS nội trú, BS chuyên khoa II nhận 350 triệu đồng và tiến sĩ là 500 triệu đồng. Ngoài ra, còn được nhận 100 triệu đồng tiền hỗ trợ mua đất để làm nhà ở. Mặc dù có nhiều ưu đãi như vậy nhưng nhiều BS vẫn chọn làm ở BV tư. Nhiều ý kiến cho rằng các BS trẻ ở lại công tác tại những BV công theo kiểu học việc là chính, sau khi tay nghề cứng cáp họ sẽ "ra riêng".
Một BS đang công tác trên địa bàn tỉnh cho biết: "Công việc của người thầy thuốc rất căng thẳng, nhiều áp lực về cả thời gian và từ phía người bệnh, nhưng cơ chế và chính sách ở các BV công rất cứng nhắc cho nên việc các BS xin nghỉ việc để chuyển công tác sang các cơ sở y tế tư nhân là khó tránh khỏi. Mặc dù được hỗ trợ tiền học, tiền mua đất nhưng lương tháng lại thấp, trong khi cùng khối lượng công việc, áp lực nhưng các cơ sở y tế tư nhân, liên kết nước ngoài sẵn sàng trả lương cao hơn nhiều. Thậm chí có không ít BS khi chuyển từ công sang tư được trả lương hằng tháng lên đến cả trăm triệu đồng".
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Nam vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng sở dĩ vấn đề thu hút nhân tài vào làm ở các BV công không đem lại hiệu quả bởi vẫn có sự phân biệt công - tư. Câu hỏi đặt ra là tại sao đa số bệnh nhân vẫn chọn BV tư để khám chữa bệnh? Do BV công phục vụ không tốt hay điều kiện không đảm bảo? Tại sao người dân vẫn chấp nhận chi phí cao hơn ở các BV tư? Điều này đã đặt ra vấn đề cho Quảng Nam là cần phải cải thiện được môi trường làm việc của BV công mới mong thu hút nhân tài hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, trong bối cảnh xã hội hóa, đời sống người dân tăng lên thì cần phải công bằng giữa BV công và tư, giữa người mới vào và BS làm việc lâu năm mới có thể tạo ra hiệu quả công việc.
Hiện nay, Sở Y tế Quảng Nam cùng các ban ngành liên quan đang bắt tay thực hiện đề án chính sách thu hút BS về công tác tại các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2017-2021 và đề án chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2017-2021. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu đề án khi thực hiện không bị rút ruột nhân tài từ các cơ sở y tế tư nhân; đào tạo chuyên sâu phải đi vào thực tiễn, hiệu quả cao chứ không làm theo một cách máy móc... Việc thu hút như thế nào, tạo điều kiện ra sao để vừa có nguồn nhân lực chất lượng cao vừa đảm bảo tính bền vững phải được tính toán kỹ càng.
Theo thống kê, số BS cần được bổ sung đến năm 2020 tại Quảng Nam là hơn 500 người. Trong đó, bổ sung thêm số lượng đang thiếu là 389 BS và bổ sung cho số BS nghỉ hưu, nghỉ việc dự kiến hơn 150 người. Trước thực trạng đáng báo động như vậy, Quảng Nam cần có những cơ chế thiết thực hơn nữa để giải quyết bài toán "chảy máu" chất xám tồn tại lâu nay.
ĐỒNG DAO