"Chảy máu" cổ thụ

Thứ sáu, 10/11/2017 15:03

Từ khi "mốt" chơi cây cổ thụ trong vườn nhà, thời gian gần đây một số đối tượng lùng sục khắp các buôn, làng ở Gia Lai để tìm mua các loại cây cổ thụ. Thậm chí, xuất hiện tình trạng đưa cây rừng về vườn nhà rồi tìm cách hợp thức hóa để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Một gốc cây bằng lăng vừa mới được di thực về trồng ngay trong vườn nhà người dân tại xã Ia Ka, H. Chư Păh. 

"Săn" cổ thụ

Mới đây, Hạt Kiểm lâm (HKL) H. Kông Chro, Gia Lai đã xử phạt vi phạm hành chính một cá nhân với mức 1,5 triệu đồng về hành vi vận chuyển gốc cây da đại thụ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Tuy nhiên, khi tiến hành xác minh thì gốc cây cổ thụ này được xác định là của ông Đinh Blyưch (trú làng Brưl, xã Chơ Long, H. Kông Chro) đào trong vườn nhà bán. Thế nhưng, khi kiểm tra thì lái xe không cung cấp được giấy tờ hợp pháp (xác nhận của chính quyền địa phương).

Sau đó, chỉ cần bổ sung những giấy tờ, cây cổ thụ đã được vận chuyển đi nơi khác. Trước đó, vào tháng 7-2017, lực lượng chức năng H. Mang Yang (Gia Lai) cũng đã phát hiện một số đối tượng huy động xe máy múc, xe cẩu chuyên dụng công suất lớn để đào bới, vận chuyển 2 cây trâm đỏ cổ thụ tại làng Dơ Nâu (xã Kon Thụp). Qua xác minh,  2 cây trâm đỏ cổ thụ trên nằm trên đất của ông Vôch (làng Dơ Nâu) đã được UBND H. Mang Yang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2002. Tuy nhiên, khi chưa có văn bản đồng ý của chính quyền địa phương, người mua 2 cây cổ thụ trên đã khai thác và vận chuyển đi nơi khác. Ông K.M.P (trú xã Xuân Sơn, H. Sơn Tây, TP Hà Nội) cho biết mua 2 cây trâm này vận chuyển ra Hà Nội làm cây bóng mát. Với mức xử phạt hành chính ít ỏi, 2 cây trâm này được đưa lên xe container Bắc tiến.

Theo tìm hiểu, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện một số nhóm chuyên đi "săn" cổ thụ như: da, sộp, bồ đề, bằng lăng..., dùng xe ủi, xe múc và cả xe chuyên dụng đào bứng gốc chở ra các điểm tập kết rồi dùng xe container vận chuyển ra Bắc. Việc mua bán, vận chuyển các loại cây đại thụ này đã được thực hiện trót lọt trước đó vài chuyến, thậm chí có cả cây rừng. Bởi trong quá trình tìm hiểu của P.V, việc mua bán cổ thụ còn tinh vi hơn khi một số đối tượng lén lút khai thác các gốc cây cổ thụ từ rừng rồi đưa về nhà trồng, chăm sóc. Từ đó, việc hợp thức hóa thành cây sinh trưởng trên đất vườn nhà, đất nương rẫy dễ dàng hơn để mua, bán. Tôi chứng kiến gần ngay trụ sở UBND xã Ia Ka (H. Chư Păh) 1 cây bằng lăng (còn gọi là bằng lăng cườm) khoảng 2 người ôm, cao khoảng 7-8 m vừa được di thực về trồng sát bên đường. Khi hỏi về nguồn gốc cây cổ thụ này chúng tôi nhận được câu trả lời khá sơ sài: cây bằng lăng trên được một hộ dân gần xã mua của người dân địa phương trên địa bàn...

Cây bồ đề cổ thụ đã bị đào bới đang chuẩn bị vận chuyển thì bị UBND H.Kông Chro yêu cầu dừng lại vì UBND thị trấn xác nhận không đúng quy định.

Ngăn "chảy máu" cổ thụ

Ông Trần Hùng Anh, Hạt trưởng HKL H. Kông Chro cho biết: Theo quy định về quản lý cây cảnh, cổ thụ, cây bóng mát trong vườn nhà của người dân thì họ có quyền tự chủ, tự quyết định nhưng phải có đơn trình báo để UBND thị trấn xác định nguồn gốc. "Trong quá trình xác nhận, nếu UBND các xã, thị trấn xác định cây nằm trên đất lâm nghiệp thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. UBND các xã, thị trấn cần kiểm tra xác minh cụ thể nguồn gốc hợp pháp của từng cây nhằm tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng việc đào, bứng cây rừng đem về nhà trồng rồi làm đơn xin xã xác nhận là cây trong vườn nhà".

Tuy nhiên, tại công văn mới đây của UBND H. Kông Chro đã yêu cầu HKL H. Kông Chro tổ chức rút kinh nghiệm đối với kiểm lâm địa bàn TT Kông Chro vì tham mưu cho UBND thị trấn xác nhận cây không đúng quy định. Cụ thể, tại công văn nêu rõ: trong thời gian qua trên địa bàn TT Kông Chro xảy ra tình trạng di thực cây tự nhiên còn sót lại trên đất nương rẫy về để làm cây cảnh và đã được UBND TT Kông Chro xác nhận không đúng quy định. UBND huyện cũng yêu cầu UBND thị trấn nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc xác nhận cây không đúng quy định.

Để chấn chỉnh tình trạng di thực cây tự nhiên còn sót lại trên đất nương rẫy, đặc biệt là cây rừng về để làm cây cảnh, UBND H. Kông Chro cũng yêu cầu các đơn vị: HKL, CAH, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý bảo vệ rừng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng di thực cây rừng về làm cảnh trái phép. Các Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa, Kông Chro, Kông H'dé đóng chân trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lâm phần được giao quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Có thể thấy, tình trạng mua, bán vận chuyển cây cổ thụ đang diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai. Chưa kể, một số đối tượng lén lút khai thác cây cổ thụ từ rừng rồi "hợp thức hóa" thành cây trồng trong vườn nhà để đưa đi tiêu thụ. Nếu các ngành chức năng tỉnh Gia Lai không xử lý kịp thời thì chưa thể chấm dứt nạn "chảy máu" cổ thụ về xuôi.

 MINH TÂN