Chỉ 8% doanh nghiệp phải dừng kinh doanh
Kết quả cuộc khảo sát doanh nghiệp về giải pháp, hành động tích cực khắc phục khó khăn do dịch bệnh của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) sẽ là cẩm nang bước đầu cho các doanh nghiệp tham khảo.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng, chống dịch nCoV tại một doanh nghiệp may mặc. |
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng không vì thế các doanh nghiệp “ngồi im”.
Nhiều thông tin tích cực
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đối với 358 doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) trong khoảng thời gian từ 7 đến 13-4-2020 thì hầu hết đã thực hiện các biện pháp phòng, chống rủi ro. Trong số 81% số doanh nghiệp trả lời có duy trì làm việc tại văn phòng thì 100% trong đó đã chủ động phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước rửa tay khử khuẩn...
Phần lớn doanh nghiệp trong số đó cũng đã thực hiện phân ca kíp, bố trí nhóm làm việc ngồi ở các vị trí khác nhau để hạn chế tiếp xúc. Nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên tập thể dục, nâng cao sức khỏe, yêu cầu nhân viên khai báo y tế nếu nghỉ làm quá 3 ngày, lập hồ sơ sức khỏe giao cho bộ phận nhân sự theo dõi hay xây dựng lại quy trình làm việc để phù hợp với tình hình mùa dịch. Có những doanh nghiệp áp dụng cách thức tổ chức nơi lao động, sản xuất thành “vùng cách ly” đảm bảo an toàn, không đứt gãy hoạt động, tỷ lệ này khoảng 6%. Chỉ 8% doanh nghiệp phải dừng kinh doanh để phòng Covid-19 hoặc khó khăn trong mùa dịch.
Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thì chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ có 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này.
Nỗ lực bảo vệ người lao động
Điều rất đáng ghi nhận trong khảo sát lần này là có sự thay đổi về nhận thức của các chủ doanh nghiệp trước vấn đề bảo vệ người lao động. Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến tất cả doanh nghiệp đều phải đối mặt với một thách thức rất lớn, đó là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị suy giảm. Doanh nghiệp đã thể hiện nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ người lao động.
Có khoảng 60% số doanh nghiệp trả lời vẫn nỗ lực đảm bảo trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc trả lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng. Trong số này, 27% doanh nghiệp trả lời lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động để cùng người lao động chung sức vượt qua thời gian khó khăn; 26% doanh nghiệp trả lời có trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh hoặc trong thời gian “cách ly xã hội” để giúp đỡ một phần cho người lao động; 17% doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường. Nếu dịch kéo dài thì 9% số doanh nghiệp trả lời này có thể sẽ không có khả năng đảm bảo được nỗ lực mà doanh nghiệp đang cố gắng.
Chỉ có 4% số doanh nghiệp trả lời áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp. Một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp trả lời (3%) tranh thủ thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm để dành thời gian đào tạo nguồn nhân lực.
Từ thực tế đó, nhiều doanh nghiệp tối ưu hóa nhân sự bằng phương án kiêm nhiệm vị trí để giữ các nhân sự giỏi và bảo đảm thu nhập cho người lao động, nếu ai dưới thu nhập 10 triệu đồng/tháng thì cố gắng hết sức để trả đầy đủ. Có công ty hỗ trợ toàn bộ người lao động chuyển vào ở tại ký túc xá công ty mỗi người 150 nghìn đồng/ngày, chi trả toàn bộ các chi phí sinh hoạt cho người lao động với định mức 500 nghìn đồng/ngày cho 1 hộ gia đình chuyển vào ký túc xá tập trung. Một số doanh nghiệp giữ nguyên lao động, tăng số ngày phép cho nhân viên làm việc online, giảm lương lãnh đạo 50%; đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, cung cấp thực phẩm có lợi để tăng sức khỏe cho người lao động...
Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ
Khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự đồng lòng với Chính phủ trong việc kiên quyết ngăn chặn, dập dịch từ các nguồn lây nhiễm bên ngoài và trong cộng đồng; thể hiện sự tích cực và chung tay cùng Chính phủ phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cơ sở sản xuất bằng cách tuân thủ những khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế. Tuy nhiên, bên cạnh một số chính sách hiện tại, chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, thiệt hại trên 50% và giảm 50% lao động trở lên, các doanh nghiệp kiến nghị xây dựng các chính sách giữ dòng vốn cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động trước khi họ kiệt quệ và không thể nào khắc phục.
Tự nỗ lực bằng các giải pháp chủ động, sáng tạo, nhưng các doanh nghiệp vẫn mong muốn có thêm sự trợ giúp ngoại lực từ phía Chính phủ. Họ mong rằng các chính sách chống suy thoái, thất nghiệp Chính phủ đưa ra trọng tâm hơn, như có chính sách riêng với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, miễn lãi suất các khoản chậm nộp thuế...).
Nhiều doanh nghiệp khẳng định: Thời gian qua chúng ta đã quyết liệt, và đã chứng minh khả năng hạn chế tối đa virus vào Việt Nam, cũng như ngăn không cho dịch bùng phát mất kiểm soát ở cộng đồng. Bước tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp mong Chính phủ xem xét đưa ra những giải pháp phù hợp và an toàn nhất để vừa ngăn dịch, vừa phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp kiến nghị, Việt Nam cần khoanh vùng các vùng quê an toàn, hay thành phố chắc chắn đã an toàn để cho nhân dân vùng an toàn tăng gia kinh doanh sản xuất, tránh nguy cơ khủng hoảng kinh tế, nguy cơ doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp.
B.T – Đ.B