Chỉ thị 30 đã đi vào cuộc sống người dân Đà Nẵng

Thứ sáu, 17/04/2015 08:43

(Cadn.com.vn) - Chiều 16-4, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương (BCĐ) về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở do đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng BCĐ làm trưởng đoàn đã có chương trình khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) “về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Cùng đi trong đoàn có đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo một số cơ quan liên quan. Đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy,  Chủ tịch HĐND TP chủ trì buổi làm việc với đoàn. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết BCHT.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, các đồng chí trong BTVTU, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của TP   Đà Nẵng.

Đồng chí Hà Thị Khiết và đồng chí Trần Thọ chủ trì buổi làm việc.

Một số kết quả tích cực

Báo cáo về kết quả thực hiện QCDC ở TP Đà Nẵng trong 17 năm qua, đồng chí Phạm Quý, UVBTV Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cho biết đã đạt một số kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là người đứng đầu về thực hiện QCDC của các tổ chức trong hệ thống chính trị được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đảng viên, CBCCVC ở các cấp, nhất là cấp phường, xã có ý thức tôn trọng quyền dân chủ của người dân, qua đó tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm của CBCCVC trong quan hệ với nhân dân ngày càng được nâng cao và cải thiện rõ nét.

Người dân ngày càng đồng thuận với các chủ trương của Đảng, Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do thành phố phát động. Hệ thống chính trị từ TP đến phường, xã hoạt động hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, CCVC được nâng lên theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Vai trò trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội được nâng cao. Hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền có nhiều chuyển biến, công tác cải cách hành chính từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của thành phố, góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC.

Đặt lợi ích của nhân dân lên trước

Trả lời câu hỏi của thành viên đoàn khảo sát về vấn đề tâm đắc nhất, sâu sắc nhất khi chỉ trong thời gian không dài nhưng với quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, sự đồng thuận của người dân, Đà Nẵng đã có những bước tiến dài cả về cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, đồng chí Trần Thọ cho biết, trước hết là phải vì lợi ích của người dân cả về vật chất và tinh thần, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trước. Thứ hai là sự kiên định của cả hệ thống chính trị. Đồng chí Trần Thọ đơn cử việc làm 3 tuyến đường: Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa, Sư Vạn Hạnh ở Q. Ngũ Hành Sơn, lãnh đạo quận phải kiên trì vận động, thuyết phục, hàng tuần phải họp với Thường trực Thành ủy để báo cáo xem đã vận động được bao nhiêu hộ. Ông nói “Món này không kiên trì là không được”.

Hay việc làm nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, khu vực này đã 3 lần giải tỏa, liên quan đến 4 phường, nếu chỉ dùng biện pháp hành chính thì không thành công. Có được công trình như hôm này cũng là vì biết đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Ông thừa nhận có tình trạng mặc dù chủ trương của TP là tốt nhưng cán bộ trực tiếp giải quyết, nhất là ở các Ban quản lý dự án giải quyết chưa tốt, dẫn đến việc người dân bức xúc, theo ông, đó là cái dở của cán bộ. Ông cũng thừa nhận việc người dân khó giám sát các dự án, nhất là các dự án do Nhà nước đầu tư.

Tuy nhiên, đối với một số dự án lớn của TP đều thông qua MTTQ tổ chức cho nhân dân tiến hành phản biện trước khi đưa vào triển khai. Chẳng hạn các công trình: Cầu đi bộ, tháp hải đăng, khi người dân phản ứng thì TP cho dừng lại. Gần đây nhất là việc xóa “xóm ổ chuột” gồm hơn 100 hộ giữa trung tâm thành phố, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành lấy ý kiến người dân, phát phiếu khảo sát, kết quả cho thấy gần như người dân đồng tình tuyệt đối việc giải tỏa, kể cả phương án bố trí tái định cư, điều đó cho thấy khi biết đặt lợi ích của người dân lên trên thì dân sẽ đồng tình, ủng hộ.

Đồng chí Hà Thị Khiết phát biểu tại buổi làm việc với Quận ủy Cẩm Lệ.

Sáng 16-4, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW tại Quận ủy Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng). Báo cáo với đoàn, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ khẳng định, trong gần 10 năm xây dựng và phát triển, Q.Cẩm Lệ đặc biệt chú trọng việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Theo tinh thần Chỉ thị 30-CT/TW.

Ban Thường vụ Quận ủy đã lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và hội đoàn thể thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy được sức mạnh toàn dân tham gia vào quản lý và xây dựng địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, khắc phục tệ nạn quan liêu, thiếu dân chủ, tăng cường củng cố lòng tin và xây dựng sự đồng thuận cao trong nhân dân với cấp ủy Đảng.

Đặc biệt, kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ quan hành chính khá rõ nét. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn quận đã tiếp 5.396 lượt công dân, trong đó những đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền được tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định. Trong thời gian đến, đồng chí Hà Thị Khiết đề nghị Quận ủy Cẩm Lệ cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung dân vận chính quyền; tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm; tăng cường kỷ  cương kỷ luật hành chính trong các cơ quan, đơn vị xây dựng tác phong công chức văn minh, lịch sự; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.

Đ.Nga

Không được bằng lòng

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Thị Khiết cho rằng: Chỉ thị 30 đã đi vào cuộc sống của người dân Đà Nẵng, trong doanh nghiệp, đơn vị SXKD, nhận thấy rằng lãnh đạo TP đã báo cáo nghiêm túc, đúng thực tế, làm việc nghiêm túc, khoa học, khách quan,  thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, những việc còn hạn chế, trong cách làm đều lấy mục tiêu vì nhân dân, vì người lao động do đó đã đạt được những kết quả rất tích cực, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Đồng chí Hà Thị Khiết nhận xét: Sở dĩ Chỉ thị có sức sống đến bây giờ là vì đây  là một chỉ thị “Ý Đảng lòng dân”. Lo cho dân, lo cho thành phố, thực hiện dân chủ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trái tim của mỗi người dân và người dân đã hưởng ứng, cổ vũ cho cả hệ thống chính trị để làm tốt hơn nữa.

Tuy nhiên, TP không được bằng lòng với những điều đã làm được, cần khắc phục những hạn chế tồn tại đã được chỉ ra cũng như nguyên nhân kèm theo, nhất là các nguyên nhân chủ quan. Thực hiện QCDC nơi này nơi khác còn hình thức, đối phó, không nhiều nhưng vẫn có; trong quá trình thực hiện công vụ, một bộ phận CBCC chưa đồng đều, chưa nghiêm túc, gây phản ứng của dân, ảnh hưởng đến kết quả mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận đã tạo ra những sản phẩm rất quý được nhân dân trân trọng, đánh giá cao. “Đảng nói, dân tin, chính quyền làm, dân ủng hộ”, nói thì dễ nhưng làm không dễ chút nào, cần phải nâng sự đồng đều lên để người dân mãi mãi tin Đảng, theo Đảng, đồng thuận với điều hành quản lý của chính quyền.

Đồng chí Hà Thị Khiết mong muốn, với kinh nghiệm đã có, Đà Nẵng cần thổi hồn của Chỉ thị 30 vào Đại hội Đảng bộ TP sắp tới, để tinh thần của Chỉ thị  đi vào thực tế cuộc sống sẽ mạnh hơn nữa bởi có dân chủ mới đoàn kết, mới ổn định, mới phát triển bền vững. Đồng chí đề nghị Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy dân chủ trong nội bộ cấp ủy, chính quyền, quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa để MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt vai trò đại diện cho nhân dân. Mong muốn lãnh đạo Thành ủy, chính quyền  Đà Nẵng quyết tâm chính trị cao hơn, dám xả thân hơn nữa vì yêu cầu phát triển của Đà Nẵng và sự mong đợi của nhân dân và bạn bè trong nước và quốc tế, làm sao để Đà Nẵng như một viên ngọc tỏa sáng, vẫy gọi bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, đến với Đà Nẵng.

K.Thanh