Chỉ trích hiếm hoi

Thứ sáu, 05/05/2017 08:32

(Cadn.com.vn) - Triều Tiên và Trung Quốc đang gặp rắc rối lớn khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên – KCNA ngày 4-5 có những tuyên bố chỉ trích hiếm hoi nhằm vào Bắc Kinh - đồng minh thân cận và là đối tác viện trợ quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.

Trong động thái chưa từng thấy, truyền thông Triều Tiên cáo buộc Bắc Kinh đứng về phía Mỹ để tăng cường gây áp lực lên Bình Nhưỡng. “Trung Quốc nên suy nghĩ về những hậu quả nghiêm trọng từ việc phá bỏ trụ cột trong quan hệ song phương”, KCNA tuyên bố trong bài bình luận hôm 4-5. KCNA còn cho rằng, Bắc Kinh nên biết ơn Bình Nhưỡng vì sự bảo vệ của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Trung Quốc không nên thử thách giới hạn sự kiên nhẫn của Triều Tiên mà cần có lựa chọn chiến lược hợp lý.

Không chịu thua, truyền thông Trung Quốc đáp trả. Tờ Global Times của Trung Quốc nói rằng, Triều Tiên đang bị kìm kẹp bởi lối suy nghĩ vô lý về các chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Bài viết trên tờ báo còn có đoạn cảnh báo mạnh mẽ rằng, Bắc Kinh cũng sẽ làm cho Bình Nhưỡng hiểu rằng nước này sẽ đáp trả theo cách chưa từng có tiền lệ nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân.

KCNA thường đăng tải những bài viết chỉ trích về Mỹ, Nhật và Hàn nhưng hiếm khi chĩa mũi dùi như thế này vào Trung Quốc. Và giới truyền thông Trung Quốc cũng vậy. Vì vậy, có thể thấy, khẩu chiến bùng nổ như thế này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang đi xuống, động thái đáng lo ngại trong bối cảnh chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang chịu sức ép từ Mỹ trong việc tăng cường gây áp lực buộc Triều Tiên ngừng theo đuổi các chương trình tên lửa và hạt nhân.

Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có mối quan hệ đồng minh thân thiết trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, và cho đến nay, người khổng lồ Châu Á vẫn là nhà cung cấp chính của Bình Nhưỡng về viện trợ và thương mại. Nhưng mối quan hệ bắt đầu phiêu lưu trong những năm gần đây, với việc Trung Quốc đang ngày càng bực tức bởi những phản kháng hạt nhân của Triều Tiên và mối lo sợ bùng nổ khủng hoảng khu vực.

Và một điều khác khiến chính quyền Bắc Kinh phật ý là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cho đến nay vẫn chưa đến thăm Trung Quốc, hơn 5 năm sau khi lên nắm quyền. Nhưng nhiều người hy vọng mọi việc sẽ dừng lại ở đó và không diễn biến tồi tệ hơn nữa. Hôm 4-5, Trung Quốc tỏ ra dịu giọng hơn khi nói muốn duy trì hòa bình và ổn định cũng như giải quyết vấn đề Triều Tiên qua đối thoại.

Thanh Văn