"Chia lửa" giữa tâm dịch
Việt Nam là một trong ít những quốc gia triển khai tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Những kết quả khả quan bước đầu chính nhờ sự đồng lòng, chung sức cùng quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Bên cạnh đó, cũng có những cống hiến, hy sinh thầm lặng của biết bao con người từ nơi tuyến đầu chống dịch cho đến hậu phương.
CBCS tự hàn khung sắt để ngăn phòng có diện tích rộng thành nhiều phòng ở nhỏ phù hợp với điều kiện tại khu cách ly. |
Lặng thầm cho đi...
Cơ sở cách ly tại nhà khách Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam phân viện miền Trung - Tây Nguyên nằm sát biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam). Về đêm, những cơn gió lạnh kèm theo hơi muối ùa vào thấm đẫm những gương mặt phong sương đang túc trực 24/24 tại đây. Từ khi được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, sử dụng cơ sở cách ly đến nay đã 10 ngày (từ ngày 10-3), là khoảng thời gian mà CBCS cùng nhân viên y tế căng sức chăm lo từng nơi ăn, chốn ở cho những trường hợp được cách ly. Cứ mỗi đợt có người đến cách ly, bên cạnh kiểm tra thân nhiệt tại chỗ, các bác sĩ quân y phối hợp tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng và hướng dẫn, bố trí chu đáo nơi ăn ở. Những ngày qua, đa số là người nước ngoài được tiếp nhận vào. Đến nay, đã có 82 lượt, trong đó có 3 người Việt Nam được cách ly tại đây. Hơn 15 CBCS BĐBP được điều động làm nhiệm vụ, cùng nhân viên y tế túc trực ngày đêm, đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch.
Các nhân viên bên trong dọn dẹp thay mới chăn ga của những người vừa được ra khỏi khu cách ly. |
Khi ca dương tính của bệnh nhân thứ 57 xuất hiện tại đây, công việc của họ càng thêm nhiều và nặng nề hơn. "Khi hay tin trong cơ sở có ca dương tính, anh em ai nấy cũng lo lắng. Tuy nhiên, vì cái chung, anh em đã động viên nhau tiếp tục chiến đấu với "giặc". Bất kể ngày hay đêm, cơ quan chức năng tiến hành đưa từng nhóm người vào. Có hôm nửa đêm, nhưng cơ sở vẫn diễn ra việc tiếp nhận người vào. Hàng chục người cách ly được đưa đến, rồi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra. Cứ sau mỗi lần có kết quả âm tính được thông báo, chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Dù lo lắng trước mối hiểm nguy của dịch, nhưng tinh thần người lính đã giúp chúng tôi thêm can trường, cẩn trọng triển khai các biện pháp vừa đảm bảo an toàn cho cả đội, vừa an toàn cho từng cá nhân làm nhiệm vụ. Phục vụ tốt, nhưng cũng phải chủ động bảo vệ tốt bản thân trước dịch. Đó mới là hiệu quả trong công tác phòng chống dịch hiện nay", Đại úy Huỳnh Văn Chín - chiến sĩ luôn có mặt túc trực tại "điểm nóng" trong những ngày qua chia sẻ.
Dù nhà ở cách Trường Quân sự tỉnh TT-Huế chưa đầy 5 km nhưng gần 20 ngày trôi qua, Đại úy Nguyễn Văn Hóa - cán bộ quân y Bộ CHQS tỉnh TT-Huế - phụ trách Tổ quân y tại cơ sở cách ly Trường Quân sự tỉnh TT-Huế vẫn chưa được về nhà thăm vợ và con. Công việc hàng ngày của đại úy Hóa cùng nhiều cán bộ quân y là túc trực tại điểm cách ly để kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, vận động người dân cách phòng chống dịch bệnh, vận động mọi người ở các khu cách ly thường xuyên vận động, tập thể dục, tư vấn cho người dân... Khi được hỏi, ngày nào cũng tiếp xúc gần với nhiều trường hợp cách ly F1, vậy anh có lo sợ lây bệnh không? Đại úy Hóa cười: "Ở khắp nơi trên thế giới, hàng ngàn thầy thuốc giỏi đang nỗ lực hết mình để cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Có rất nhiều người đã và đang hy sinh thầm lặng. Vì vậy, ngay khi có lệnh cấp trên phân công nhiệm vụ đến điểm cách ly, tôi rất đồng tình vì muốn góp một phần nhỏ trong việc phòng chống dịch trên địa bàn". Đại úy Hóa trải lòng: "Quan điểm những người lính như mình, là tuyệt đối không phân biệt đối xử, kỳ thị với những trường hợp đưa đến cách ly. Chúng tôi luôn xem những người đến cách ly như là người thân, ruột thịt trong gia đình mình và phải tận tâm chăm lo sức khỏe cho công dân".
Chị Nguyễn Thị H. (26 tuổi, trú xã Lộc Bổn, H.Phú Lộc, TT-Huế) cùng 2 con nhỏ (3 tuổi và 1 tuổi) hiện đang được cách ly tại Trường Quân sự tỉnh TT-Huế sau khi trở về từ Lào hôm 19-3. Chị H. kể, chồng chị làm nghề sửa gara ô-tô ở Lào nên 3 mẹ con chị cũng qua bên đó sinh sống. Vừa rồi, chị trở về quê thì cả 3 mẹ con được đưa đến cách ly tại đây. "Mình có 2 con nhỏ nên ban đầu lo sợ khi vào khu cách ly sẽ gặp khó khăn. Không ngờ, khi vào đây, các chú bộ đội đến hỏi rất kỹ về các con của mình, ăn cháo, ăn súp hay cơm để các chú biết mà chuẩn bị cho các cháu. Mình rất cảm động vì vào đây vừa được ăn uống miễn phí rồi mà còn được quan tâm rất chu đáo"- chị H. nói trong xúc động.
Đại úy Nguyễn Văn Hóa đo thân nhiệt cho mẹ con chị Nguyễn Thị H. |
Bắc những "nhịp cầu"
Cùng với lực lượng công an, đội ngũ y bác sĩ, những ngày qua, đông đảo đoàn viên, thanh niên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Đà Nẵng đã bắt đầu ra quân tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng ở các chốt kiểm dịch tại những cửa ngõ ra vào thành phố. Bằng tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với vốn ngoại ngữ khá, các bạn chính là cầu nối quan trọng hỗ trợ tích cực cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm dịch và giao tiếp với du khách ngoại quốc.
Phan Tăng Bình (24 tuổi, sinh viên năm thứ 5 Khoa Y dược ĐH Đà Nẵng) sau một đêm trắng không ngủ để hỗ trợ cùng với lực kiểm dịch tại cửa ô Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, bạn luôn giữ nụ cười vui vẻ và tinh thần tràn đầy nhiệt huyết. Tăng cho biết, ngày 16-3 vừa qua, khi đang làm thêm thì nhận được thông báo của Đoàn trường về việc tham gia tình nguyện hỗ trợ lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch. Tăng đã không ngần lại điền tên mình vào danh sách đăng ký. Tại chốt kiểm dịch Cửa ô Hòa Hải, Tăng cùng các tình nguyện viên được trang bị đồ bảo hộ y tế chuyên dụng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phiên dịch, đo thân nhiệt và hướng dẫn khai báo y tế cho du khách nước ngoài.
Tình nguyện viên tham gia hỗ trợ lực lượng kiểm dịch tại cửa ô Hòa Hải. |
Cũng giống như Tăng, cô sinh viên năm 4 Khoa Y dược ĐH Đà Nẵng Nguyễn Thị Yến Nhi cũng viết đơn tham gia tình nguyện kiểm dịch tại Cửa ô Hòa Phước (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) sau khi nhận được lời kêu gọi của Thành Đoàn Đà Nẵng. Nhi thổ lộ: "Sau khi biết em tham gia tình nguyện chống dịch Covid-19, gia đình nhất quyết phản đối và cho rằng, việc tham gia chống dịch rất nguy hiểm, đặc biệt là với cô gái nhỏ nhắn như em. Tuy nhiên, sau nhiều lần cố gắng thuyết phục, ba mẹ đã bắt đầu thay đổi quan điểm và luôn động viên em giữ gìn sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc".
Hiện, hơn 1.200 đoàn viên, thanh niên khác cũng đang tình nguyện cống hiến sức trẻ của mình trong chiến dịch hỗ trợ lực lượng chức năng đẩy lùi dịch bệnh do Thành đoàn Đà Nẵng phát động. Giữa hoạn nạn mới hiểu lòng nhau. Những hành động đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa giữa đại dịch ấy sẽ đọng mãi trong tim mỗi người dân Việt bởi nó ấm áp vô cùng...
NHÓM PV