Chia rẽ sâu sắc hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ
(Cadn.com.vn) - Tình trạng chia rẽ trong xã hội và chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng nghiêm trọng trước thềm bầu cử quan trọng vào ngày 1-11 tới, như một hệ quả đáng sợ sau vụ đánh bom tự sát hôm 10-10, vốn giết chết 102 người.
Cho đến nay, vẫn chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ đánh bom kép kinh hoàng này, vốn nhắm vào cuộc biểu tình hòa bình tại thủ đô Ankara. Giới chức chính phủ cáo buộc nhóm Hồi giáo cực đoan IS là nghi phạm chính. Trong khi đó, giới phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ xác định các nghi phạm ném bom là công dân Thổ Nhĩ Kỳ từng tham chiến tại Syria.
Tuy nhiên, nhiều người đổ lỗi cho sự tắc trách của chính phủ Tổng thống Recep Erdogan. Ông Selahattin Demirtas - đại diện lợi ích của PKK trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Tổng thống Erdogan, cáo buộc một vài người trong lực lượng an ninh tiếp tay cho vụ tấn công đẫm máu này. Các nhà phê bình và các đối thủ chính trị đang gọi ông Erdogan là “kẻ giết người”, “độc tài” và đổ lỗi cho ông vì đã tạo điều kiện cho bạo lực bùng phát bằng cách mạo hiểm ủng hộ chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng. Đáp trả, Tổng thống Erdogan cho rằng, đảng Công nhân người Kurk (PKK) chưa bao giờ tôn trọng tiến trình hòa bình và thường tranh thủ mọi cơ hội để chỉ trích chính phủ và củng cố lực lượng.
Loạt đánh bom khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phủ đám mây sợ hãi trên khắp đất nước này, và đặc biệt là phủ bóng đen lên cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1-11 tới. Thực tế cho thấy, tình trạng chia rẽ trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nghiêm trọng trong khi nền chính trị đang rối ren. Vụ đánh bom thậm chí còn châm ngòi cho những mâu thuẫn, bất đồng gay gắt giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK bùng phát trở lại. Chia rẽ trong xã hội, bất ổn về an ninh đang khiến chính trường nước này thêm phức tạp.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành bầu cử sớm vào ngày 1-11 tới, trong đó giới quan sát cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi so với kết quả cuộc bầu cử cuối cùng vào tháng 6. Tại cuộc bầu cử hôm 7-6, đảng ủng hộ người Kurd đã bước chân vào Quốc hội với 13% số phiếu, lấy đi quyền tự thành lập chính phủ của đảng cầm quyền, lần đầu tiên kể từ năm 2002. Tương lai chính trị của Tổng thống Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP), vốn tìm kiếm thế đa số Quốc hội để củng cố quyền lực trong hơn 1 thập kỷ nắm quyền, được cho là đang bị lung lay.
Thủ tướng Ahmet Davutoglu kêu gọi cử tri giúp khôi phục lại chính quyền để “chống bệnh dịch khủng bố và những thách thức kinh tế”. Nếu một kết quả lặp lại như cuộc bầu cử hồi tháng 6, AKP sẽ buộc phải thành lập chính phủ liên minh, động thái vốn có thể khiến chính phủ càng rơi vào chia rẽ sâu sắc hơn.
Thanh Văn