TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Thứ hai, 15/04/2019 10:58

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Bạn đọc hỏi: bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, trú Q. Liên Chiểu TP Đà Nẵng), hỏi: vợ chồng (VC) tôi đang trong giai đoạn ly thân và sẽ nhờ tòa án giải quyết ly hôn trong thời gian tới. VC tôi hiện cùng đứng tên thành lập một công ty TNHH và có tài sản (TS) chung là nhà và đất nhưng cũng có nhiều khoản nợ ngân hàng và cá nhân. Vì tôi sợ vụ án sẽ kéo dài, gây mệt mỏi nên tôi dự định nhờ tòa cho ly hôn trước, chia TS để tính sau, trong trường hợp phân chia TS thì sẽ được phân chia như thế nào?

Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Về mặt nguyên tắc, pháp luật không buộc phải chia TS chung của VC tại thời điểm tòa xử ly hôn. Do đó, trong trường hợp này, VC bà Hiền có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn trước. TS và nợ chưa thỏa thuận phân chia được thì vẫn coi đó là TS chung, nợ chung của VC chưa chia. Sau khi đã có bản án ly hôn của tòa mà hai VC vẫn không thỏa thuận hoặc phát sinh tranh chấp phân chia TS thì một trong hai bên có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu giải quyết. Dưới góc độ pháp lý, việc chưa yêu cầu tòa án phân chia TS chung của VC tại thời điểm xét xử ly hôn không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, có thể có những phát sinh mà các bên không dự, gây khó khăn trong việc giải quyết phân chia TS của tòa án (ví dụ: vợ hoặc chồng tạo chứng cứ giả về các khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân). Về nguyên tắc giải quyết phân chia TS của VC khi ly hôn cũng như sau khi ly hôn, theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì việc phân chia sẽ dựa trên 5 nguyên tắc: 1.Trong trường hợp chế độ TS của VC theo luật định thì việc giải quyết TS do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai VC, tòa án giải quyết theo quy định; trong trường hợp chế độ TS của VC theo thỏa thuận thì việc giải quyết TS khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó, nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì được giải quyết tương tự như trên. 2.TS chung của VC được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối TS chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong SXKD và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của VC. 3. TS chung của VC được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần TS bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. 4.TS riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp TS riêng đã nhập vào TS chung theo quy định của pháp luật; trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa TS riêng với TS chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị TS của người đó đóng góp vào khối TS đó, trừ trường hợp hai VC có thỏa thuận khác. 5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên; con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có TS để tự nuôi mình.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của CN Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425