Chiếc áo không làm nên người sang

Thứ bảy, 08/11/2014 15:04

(Cadn.com.vn) - Có một câu chuyện kể về một chàng thanh niên trẻ tuổi  vì muốn tham gia vào một lễ hội được tổ chức trong làng dành cho những vị bá tước có tên tuổi, anh bèn lấy cắp một chiếc áo choàng của một vị  bá tước từ một ngôi làng khác. Anh đến lễ hội và hòa nhập vào cuộc vui của những bá tước. Nhưng dáng điệu vụng về thô kệch của anh cuối cùng cũng đã bị phát hiện ra và chàng thanh niên bị đuổi ra khỏi lễ hội. Từ câu chuyện đó khiến ta nhớ đến câu danh ngôn “Chiếc áo không làm nên người sang”...

Quay trở lại câu chuyện đạo beat của chàng ca sỹ trẻ Sơn Tùng M-TP râm ran trên mặt bàn thời sự văn nghệ trong thời gian gần đây. Từ một chàng thanh niên vô danh, Sơn Tùng bỗng trở nên nổi tiếng khi sáng tác ca khúc “Cơn mưa ngang qua” dẫn đầu bảng xếp hạng “Bài hát yêu thích”-một cuộc thi lớn của Đài Truyền hình Việt Nam. Thành công của anh trở thành một sự kiện nổi bật và là một hiện tượng khiến những bậc đàn anh trong giới sửng sốt đến bất ngờ về một tài năng trẻ, một hiện tượng lạ và đột phá trong làng âm nhạc Việt Nam. Sơn Tùng trở thành người mẫu của của hãng điện thoại Smartphone OPPO danh tiếng bởi độ hot của tên tuổi được hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam ưa thích...

Rồi một ngày, mọi người ngỡ ngàng phát hiện “chiếc áo” Sơn Tùng đang mang có tên là “beat” hay còn gọi là nhạc nền, nhạc hòa âm làm nền cho các bài hát. Anh thường đánh cắp chiếc áo “beat”  này từ các ca khúc của ban nhạc nổi tiếng ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Với các ca khúc đình đám đã nổi tiếng ở các nước Hàn Quốc và Nhật Bản, việc đánh cắp beat của các ca khúc này là một sự đánh cắp tinh xảo, đánh trúng tâm lý đang ưa chuộng nhạc Hàn Quốc của đông đảo các bạn trẻ Việt Nam. Và thế là Sơn Tùng bị “đuổi” ra khỏi làng nhạc vì chiếc áo đánh cắp. Có lẽ trong thời gian tìm kiếm một chiếc áo khác để đắp lên cơ thể đang trơ trụi của mình, anh sẽ ngồi ngẫm nghĩ: “Chiếc áo không làm nên người sang”.

Hồng Sơn