Chiếc hộp đựng... bảo tàng

Thứ sáu, 16/10/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Chỉ với một chiếc hộp nhỏ đựng khối thủy tinh trong suốt, nặng chưa tới 1kg, nhưng chủ nhân của chiếc hộp tin rằng, nó có thể đựng cả một bảo tàng để đưa văn hóa Việt ra thế giới. 

Khắc "báu vật" vào thủy tinh

Trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng hiện có một số báu vật quốc gia, trong đó có tượng Tiên nữ Apsara. Báu vật này được phát hiện ở Trà Kiệu- Duy Xuyên (Quảng Nam) năm 1899, nhập bảo tàng năm 1918. Apsara được xem là những nàng tiên thường ca hát trong những buổi tiệc vui của các vị thần. Họ được gọi là những người con gái mang lại niềm vui bởi vì Apsara được sinh ra từ cuộc khuấy biển sữa của các vị thần. Trong lịch sử gần trăm năm của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hàng triệu lượt khách khắp nơi đã tới chiêm ngưỡng báu vật này. Anh Hồ Hải Duy (1979, trú Q.Hải Châu- TP Đà Nẵng) từng là một hướng dẫn viên du lịch tại đây đã không thể quên được sự đắm say, mê mẩn của du khách khắp nơi trên thế giới khi chiêm ngưỡng báu vật này. Duy luôn trăn trở, ở bảo tàng còn nhiều báu vật nữa, phải làm sao để chúng được quảng bá rộng hơn, để nhiều du khách khác biết được. Từ thực tế, nhiều du khách chiêm ngưỡng xong, muốn lưu giữ lại điều gì đó hiện hữu để mang về nước, để chia sẻ với những người khác, nhưng nếu chỉ là một bức ảnh thôi thì chưa thỏa mãn. Vì thế, phải làm một vật gì đó hiện hữu hơn, thể hiện được báu vật chân thực, sinh động hơn để "làm quà" cho du khách sau khi tới bảo tàng. Ý tưởng ấy được duy ấp ủ, trăn trở mãi.

Sản phẩm du lịch độc đáo của Duy.

Năm 2008, Duy nghỉ làm hướng dẫn viên du lịch tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm để qua Mỹ du học chuyên ngành công nghệ thông tin, sau đó là chuyên ngành quản trị du lịch. Tuy rời xa bảo tàng, song tình yêu, niềm đam mê, cùng những trăn trở về chốn văn hóa với những hiện vật vô giá này vẫn luôn quẩn quanh trong suy nghĩ của Duy. Một lần, tình cờ phát hiện ra công nghệ khắc hình tượng trong lòng khối thủy tinh trong suốt khiến Duy rất ấn tượng, Duy chợt nhớ ngay ý tưởng đã ấp ủ từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong thời gian dài. Tại New York, Duy đã mày mò để dùng công nghệ lazer bắn hình tượng báu vật Tiên nữ Apsara vào trong lòng khối thủy tinh trong suốt. Nhưng chỉ từng đó là chưa đủ sức hút, Duy lại nghĩ thêm việc kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh. Từ năm 2012, khi trở về Việt Nam, Duy mày mò công nghệ đèn LED (lúc đó còn ở nước ta còn mới mẻ) để làm đế đựng khối thủy tinh, đồng thời cũng là nơi phát sáng tạo hiệu ứng cho hình tượng Tiên nữ Apsara. Việc thay đổi hiệu ứng ánh sáng liên tục giúp cho hình tượng Tiên nữ Apsara trong lòng khối thủy tinh như được chuyển động, màu sắc chân thật, sinh động y như thực.

Để hoàn thiện sản phẩm này, Duy tiếp tục gắn thêm bộ phát âm thanh dưới đế. Chỉ cần nạp thẻ nhớ vào thì những thông tin chi tiết giới thiệu về hình tượng của báu vật này (từ lịch sử, giá trị, kết tinh văn hóa...) sẽ được truyền tải tới người xem thông qua loa ngoài. Nếu là người Đức thì phát bằng tiếng Đức, người Anh thì phát tiếng Anh, tương tự là Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp...

Duy đã phóng báu vật quốc gia Tiên nữ Apsara vào khối thủy tinh
để làm sản phẩm du lịch.

Xuất khẩu văn hóa

Lại nói thêm về Duy. Sau khi hoàn thiện chương trình du học ở Mỹ, trở về quê hương Đà Nẵng, bỏ qua nhiều cơ hội làm việc trong lĩnh vực CNTT thu nhập cao, Duy quyết tâm gắn bó với Bảo tàng Điêu khắc Chăm, với các không gian văn hóa ở Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn vì đam mê không thể dứt. Vẫn làm sứ mệnh quảng bá các giá trị văn hóa thông qua các hiện vật, nhưng Duy chọn hướng đi khác mà theo anh là tân tiến, hiệu quả hơn. Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Duy làm dịch vụ tai nghe thuyết minh đa ngôn ngữ. Với chỉ một chiếc tai nghe, khách lẻ ở bất cứ đâu trên thế giới, tới trước mỗi hiện vật, chỉ cần nhập mã số hiện vật ghi trên đó vào tai nghe tự động sẽ được thuyết minh mà không cần hướng dẫn viên.

Quay lại sản phẩm khắc báu vật vào thủy tinh, Duy bảo có thể làm với tất cả các hiện vật khác, giống như một sản phẩm du lịch nhưng chứa đầy tinh hoa văn hóa. Du khách ở bất cứ đâu trên thế giới, khi tới thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chiêm ngưỡng những hiện vật, nếu thực sự say đắm một hiện vật nào có thể mua "chiếc hộp" của Duy để mang về nước. Và như thế, với các hiện vật khác nhau, chiếc hộp tuy nhỏ nhưng có thể đựng cả... bảo tàng. Nó cũng có thể là vật kỷ niệm hoặc là vật trang trí, cũng có thể là một "bộ phim" chuyên sâu để du khách chia sẻ với người khác. Bằng cách đó, khi các sản phẩm này được bán cho du khách, nó chính là những "đại sứ" để truyền bá văn hóa Việt. Theo Duy, giá của sản phẩm chỉ vài trăm ngàn đồng, lại gọn nhẹ nên thông qua du khách hoàn toàn có thể "xuất khẩu" đi khắp nơi. "Ai cũng có cái tật. Người thích nhậu, người thích đánh bi-a, riêng mình thì đam mê vô bờ cái món này. Vì thế, khi mày mò làm nó vừa tốn thời gian, tiền bạc, bị nhiều người thân bảo dở hơi, nhưng mình vẫn quyết làm. Mình tin rằng việc "xuất khẩu văn hóa" này chỉ có lợi chứ không có hại"- Duy chia sẻ. Sản phẩm này của Duy đã được Cục bản quyền tác giả Việt Nam cấp chứng nhận bản quyền.

Hải Hậu