Tôn vinh công đức các bậc tiền nhân
Nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vừa được công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Đây không chỉ là sự khẳng định, tôn vinh công đức các bậc tiền nhân cùng những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của di tích mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố đối với những đóng góp của chính quyền, nhân dân huyện Hòa Vang, xã Hòa Châu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc từ trước đến nay. Qua đó, gắn kết các tộc họ tiền hiền, hậu hiền ngày thêm khắng khít, "ăn sâu, bám rễ" trên mảnh đất của ông cha…

Theo sử liệu, Nhà thờ Tiền hiền được hình thành từ những năm đầu thế kỷ XV, là nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng các chư phái tộc, nơi thờ tự các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, lập làng; lần cuối được trùng tu, xây dựng kiên cố vào năm 1898. Kiến trúc nhà thờ mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Mái ngói âm dương, hình tượng "lưỡng Long chầu nhật", "lưỡng Phụng triều nguyệt", các đường nét chạm khắc trổ tinh vi trên các thân kèo, cột gỗ đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật quý hiếm mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng.
Đến nay, nhà thờ vẫn còn lưu giữ bài vị của tam vị tiền hiền là Nhâm Quí Công (Kinh lược phó sứ), Mươi Quí Công (Xã trưởng), Lào Quí Công (Tri thâu trông coi việc trong xã) ở gian giữa, hai gian tả hữu thờ 13 vị hậu hiền, gồm tứ Lê: Lê Văn, Lê Đức, Lê Kim, Lê Cảnh; ngũ Ngô: Ngô Văn, Ngô Văn 1, Ngô Văn 2, Ngô Tấn, Ngô Tất và các tộc: Phùng, Ông, Nguyễn, Võ. Về sau tịnh hữu phát triển thêm 4 họ nữa là: nhị Trần, Phan và Bùi. Những tộc họ đến sau tuy chưa có bài vị trong nhà thờ nhưng đều có nêu tên trong các bài văn tế cúng xuân thu, nhị kỳ và chạp mả thường niên...
Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ (1954 - 1975), Nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ vẫn tồn tại một cách an toàn và vững chãi… Nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ cũng là nơi thành lập, ra mắt Chi bộ Đảng; mở lớp Bình dân học vụ đầu tiên vào năm 1946 ở tổng Thanh An và là nơi tập kết, tiễn đưa hàng trăm thanh niên gia nhập Đoàn Vệ quốc quân chống thực dân Pháp...
Đất nước thống nhất, với sự thay đổi về tên gọi, chia, tách về địa lý, thay đổi về cư dân, chuyên canh về nông nghiệp; làng Phong Lệ đã hình thành nên các khu vực địa lý khác nhau với 4 thôn Phong Nam, Tây An, Đông Hòa, Bàu Cầu (xã Hòa Châu) và 2 phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Tuy nhiên, các tộc họ ở các địa phương vẫn lưu giữ những nét văn hóa của các bậc tiền nhân, như thờ các vị tiền hiền, hậu hiền của làng, thờ Thần nông, bảo tồn giá trị của lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ "có một, không hai" trên cả nước…

Theo cụ Ngô Tất Hiền - Trưởng làng Phong Lệ, Nhà thờ Tiền hiền là nơi hội tụ văn hóa của bao thế hệ dân làng, là kết tinh của những giá trị đạo đức truyền thống mà con cháu của các chư phái tộc đã cùng chung tay tạo dựng trải qua mấy trăm năm khai làng, lập ấp không hề thay đổi. "Đây là vinh dự lớn lao của người dân chúng tôi. Di tích được công nhận góp phần làm đa dạng, phong phú các giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của địa phương. Thật tự hào khi trên cùng một địa phương lại có 2 di tích cấp thành phố được xếp hạng, là Đình Thần nông với lễ hội Mục đồng và Nhà thờ Tiền hiền làng Phong Lệ"- cụ Hiền phấn khởi chia sẻ thêm.
Vy Hậu