Chiếc muỗng chiến thắng của người Nga

Thứ tư, 13/06/2018 10:40

Nhạc cụ ở World Cup 2010 Nam Phi là chiếc kèn nhựa vuvuzela vô cùng đinh tai nhức óc. Chiếc kèn dài cả mét phát ra âm thanh với cường độ 127 decibel nhưng vẫn được FIFA chấp thuận bất chấp sự phàn nàn của người hâm mộ. FIFA chỉ cấm ở thời điểm hát quốc ca trước mỗi trận đấu.

Chiếc muỗng chiến thắng của người Nga.

Nhạc cụ ở World Cup 2014 Brazil là caxirola nhưng không phải dùng một cái mà phải là một cặp để lắc bằng tay chứ không thổi bằng miệng như vuvuzela. Những âm thanh của caxirola nhỏ hơn vuvuzela nhưng khó chịu không kém vì tần suất cao hơn.

Chủ nhà World Cup 2018 Nga vừa trình diện nhạc cụ chính thức. Đó là sản phẩm có tên "Muỗng chiến thắng". Cũng như caxirola, muỗng chiến thắng phải dùng một cặp mới tạo ra âm thanh. Người dùng sẽ lấy phần "bụng" của muỗng gõ vào nhau, và cái bụng này gõ vào 1/3 bụng cái kia. Nếu đúng bài bản thì phải là hai muỗng bằng gỗ nhưng nếu là người ít kỹ năng hơn hoặc ít quan tâm hơn thì có thể dùng hai muỗng nhựa.

Nhà thiết kế Rustam Nugmanov nhận được sự ủng hộ của chính phủ để sản xuất loại muỗng này và được công nhận là nhạc cụ chính thức của World Cup 2018. Muỗng chiến thắng được cho là tạo ra giai điệu nhẹ nhàng hơn nhiều so với vuvuzela hoặc caxirola.

Muỗng chiến thắng khác với vuvuzela hoặc caxirola ở chỗ chỉ xuất hiện sát thời điểm World Cup chính thức diễn ra. Vuvuzela được sử dụng từ giải đấu Confederations Cup 2009. Caxirola có từ trước Confederations Cup 2013 nhưng bị cấm sử dụng và chỉ thực hiện nổi lên ở World Cup 2014. Chính vì thế, muỗng chiến thắng trở nên bí ẩn hơn. Câu hỏi bây giờ là cường độ âm thanh sẽ như thế nào ở sân vận động Luzhniki, thủ đô Moscow ngay trong trận đầu tiên chủ nhà Nga tiếp Saudi Arabia. Nó có thể là một cái gì đó đặc biệt hoặc đáng sợ, hoặc cả hai...

Một chuyện bên lề đáng chú ý nữa trước thềm World Cup 2018 là công ty dụng cụ thể thao Mỹ Nike bất ngờ ngừng cung cấp giày thi đấu cho đội tuyển Iran. Lý do mà Nike đưa ra là lệnh cấm vận của Mỹ với nước này. Quyết định của Nike đẩy HLV Carlos Queiroz và các cầu thủ Iran vào thế khó khi họ phải đi mượn giày hoặc tìm kiếm mua một cách khó khăn. Các quan chức bóng đá Iran bảo rằng cách đây 4 năm Nike vẫn cung cấp giày cho đội tuyển họ dù vẫn bị Mỹ cấm vận. HLV Queiroz nói với ESPN rằng: "Các cầu thủ quen với giày thi đấu của họ rồi, không thể thay đổi 1 tuần trước những trận đấu quan trọng".

HẠNH THUẦN